Dân Việt

85% số xã của 9 tỉnh qua 30 ngày không có ổ dịch tả lợn châu Phi

Khánh Nguyên 09/11/2019 19:01 GMT+7
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về tình hình dịch tả lợn châu Phi và phương án tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020.

img

Mức độ thiệt hại đã giảm

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn thì đến tháng này, chỉ còn dưới 400.000 con. Cho đến nay, chúng ta có 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn vòng trở lại. Đây là một tín hiệu vui, trong đó có 9 tỉnh có trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch quay trở lại. Tại tỉnh Hưng Yên - tỉnh đầu tiên phát hiện dịch,  đến nay, 100% số xã không còn, không có dịch quay trở lại”.

img

Người dân tái đàn ở những nơi đảm bảo an toàn sinh học để đủ nguồn cung thực phẩm cho cuối năm. Ảnh: Tư liệu

"Đến nay, hầu như các doanh nghiệp lớn và những hộ tuân thủ tuyệt đối chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học đều giữ được đàn… Ngay cả khi đi nhận tiền mua bán thịt về, chủ trang trại còn phải xử lý tia cực tím. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng nếu đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn có thể ngăn chặn được".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Kết quả này có được là nhờ vào việc chúng ta đã hoàn toàn chủ động các chính sách ứng phó. Ngay sau khi xảy ra dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng ngay cơ chế chính sách và liên tục được điều chỉnh theo tình hình thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng đã nhắc yêu cầu chuẩn bị sẵn để kịch bản sau này hết dịch còn tăng đàn.

“Đến nay, hầu như các doanh nghiệp lớn và những hộ tuân thủ tuyệt đối chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học đều giữ được đàn. Chúng tôi về thăm Khoái Châu (Hưng Yên) cách đây khoảng 3 tuần, ở đây có khoảng 30 hộ nuôi 3.000 - 4.000 con lợn/hộ nhưng không hề bị dịch, do bà con tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học từ khâu thức ăn, con giống, người ra vào. Ngay cả khi đi nhận tiền mua bán thịt về, chủ trang trại còn phải xử lý tia cực tím. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng nếu đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn có thể ngăn chặn được" - ông Cường thông tin.

Về phương án bù lại thịt lợn, không để thiếu thực phẩm cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, về tổng thể, nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường không thiếu hụt. “Chúng ta mất 8,5% sản lượng thịt lợn. Nếu bằng mọi giải pháp tập trung, chúng ta có thể không để xảy ra thiếu hụt. Tuy nhiên, về vấn đề giá cao, việc này cũng phải thông cảm do bây giờ giá thành sản xuất cao hơn” - ông Cường nói.

Tổ chức tháng tiêu độc khử trùng

Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa có chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân.

Chỉ thị nêu rõ, theo báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhận định vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 (vụ đông xuân), nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao.

Vì vậy, Bộ NNPTNT yêu cầu, UBND các tỉnh, Sở NNPTNT, các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, của Bộ NNPTNT; rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, trong đó chú ý các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết.

Đồng thời, các địa phương phải đồng loạt tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất từ ngày 1/11 - 1/12 tại các khu vực từng xuất hiện ổ dịch, khu vực sau lũ lụt, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Long An: Dịch tả heo tái bùng phát, nông dân vừa tái đàn vừa... run

UBND tỉnh Long An vừa có công văn chỉ đạo sở, ngành chức năng và các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn và tăng đàn heo khi dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) chưa được kiểm soát, dù giá heo hơi đang khá cao.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Trần Quốc Toản, hiện nay, DTHCP trên địa bàn tỉnh Long An đang diễn biến phức tạp.

img

DTHCP đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Long An. Ảnh.Tiêu hủy heo bị DTHCP ở huyện Vĩnh Hưng

“Gần nhà tôi (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) mấy ngày qua DTHCP xuất hiện khiến mấy đàn heo phải mang đi tiêu hủy”, ông Toản cho biết.

Theo nhận định của UBND tỉnh Long An, do làm tốt công tác phòng, chống DTHCP nên trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch. Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số hộ có heo nhiễm bệnh ngày càng nhiều.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh có 46.791 con heo bị DTHCP và bị tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 2.900 tấn.

Heo bị DTHCP được phát hiện tại 1.843 hộ nuôi heo, trên địa bàn 560 ấp, khu phố, thuộc 166 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, trên địa bàn một số huyện, một số hộ thiếu ý thức, vứt heo chết xuống kênh, rạch. Bên cạnh đó, theo người dân phản ánh, có tình trạng thương lái thu gom heo bệnh chưa chết để đem đi nơi khác tiêu thụ.

Giá heo hơi tăng cao dẫn đến thịt heo bán ra cho người tiêu dùng khá cao. Hiện, Bộ NN&PTNT đã tính đến các biện pháp bình ổn thị trường.

Bộ cũng khuyến cáo người nuôi nên thận trọng tái đàn, chỉ nên tái đàn heo ở những khu vực an toàn dịch bệnh.

Thực tế hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã khởi động tái đàn heo. Bà Nguyễn Hồng Thắm (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) hiện đang nuôi đàn heo gần 30 con heo. Bà muốn tăng thêm heo giống đón thị trường Tết Nguyên đán nhưng e ngại dịch DTHCP.

 “Chắc chắn dịp Tết năm nay giá thịt heo sẽ tăng khá cao. Nếu bắt heo giống về nuôi thì ngại dịch, mà không tăng đàn về thì tiếc”, bà Thắm phân vân.

Trần Đáng

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Tiếp tục tăng nóng

Theo khảo sát nhanh của PV Dân Việt, tại các tỉnh miền Nam giá heo hơi hôm nay 9/11 tiếp tục tăng "nóng" ở nhiều địa phương, với mức tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tuỳ địa bàn và tuỳ loại heo. 

Được biết, Công ty CJ Vina (một doanh nghiệp của Hàn Quốc) đã tăng giá bán heo hơi tại trại ở Đồng Nai thêm 1.000 đồng/kg. Theo đó, heo siêu 3 máu và 2 máu cái đạt 64.500 đồng/kg; 2 máu đực cũng tăng lên 63.500 đồng/kg. 

Trước đó, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P chi nhánh miền Nam cũng liên tục tăng giá bán heo hơi tại trại, hiện giá heo siêu tại kho của doanh nghiệp này khoảng 62.000 - 63.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá bán heo trong các hộ dân có nơi đang cao hơn giá của doanh nghiệp, đơn cử như tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, thương lái đang phải mua với giá 65.000 đồng/kg. Giá heo hơi đang tăng mỗi ngày nhưng nhiều trại không còn heo để bán nữa, hoặc cố "găm" hàng đợi giá cao hơn nữa nên thương lái phải trả nhiều giá khác nhau mới có hàng phục vụ giết mổ.

Thiên Ngân

img