Diễn biến khó lường của bão số 6
Sáng nay (8/11), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 7 tỉnh, thành phố trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng của bão số 6 Nakri để trao đổi các phương án ứng phó. Tham gia có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đơn vị liên quan.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó bão số 6
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trên biển đang cùng lúc tồn tại 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới khiến bão số 6 trở nên phức tạp, liên tục thay đổi. Do đang vào cuối mùa bão nên bão số 6 sẽ bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và sẽ tăng cường độ.
Hồi 10 giờ sáng 8/11, bão đang cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 6 Nakri. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
“Rất hiếm khi Việt Nam phải đối mặt với bão di chuyển từ Tây sang Đông rồi mới quay lại về phía đất liền. Nhiều khả năng bão sẽ đạt cường độ cực đại khi ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đạt cấp 12, giật cấp 14-15)”, ông Khiêm nhận định.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan khí tượng vẫn chưa thể dự đoán cụ thể được cường độ và thời gian bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Nhận định ban đầu, bão số 6 có thể đổ bộ vào đất liền trong chiều tối 10/11 với cường độ khoảng cấp 8-9, giật cấp 12-13. Khu vực ảnh hưởng của bão số 6 dự đoán là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Khi tiến vào đất liền, bão có thể gây sóng cao 7-8 m, khu vực gần bờ sóng có thể cao 4-5 m kết hợp với gió mạnh có thể gây ra nguy hiểm cho khu vực neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, bão kết hợp với triều cường có thể gây nước dâng đến 2 m.
Bão có thể kết hợp với không khí lạnh tăng cường khiến mưa rất to, dự báo khoảng 200-400 mm, tập trung vào 2 ngày 10-11/11. Nguy cơ lũ cho các khu vực ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia
Đã có tỉnh cấm biển
Báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h sáng 8/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 47.000 tàu biết hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động trú tránh.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông báo và kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển; bắn pháo hiệu tại 18 điểm từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh đều đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó bão số 6; trong đó, Thừa Thiên Huế ban hành lệnh cấm biển từ hôm nay (8/11).
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả các đơn vị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kết hợp với các bộ ngành phải chuẩn bị cho mọi tình huống khi bão số 6 đổ bộ.
Trước tiên, đảm bảo an toàn trên biển, đưa tàu ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn với sự vào cuộc của tất cả các địa phương. Sau đó, đảm bảo an toàn cho người ở khu vực ven biển, có thể cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết; bảo vệ các công trình như nhà cửa, khu vực kinh doanh, gia cố các khu vực đê, kè xung yếu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt phải chú ý đến tình hình mưa sau bão, do đây là khu vực có độ dốc lớn nên kết hợp với mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở, không để xảy ra tình trạng chủ quan.
Sau nhiều ngày ít dịch chuyển, bão số 6 Nakri bắt đầu mạnh lên và di chuyển nhanh hơn, hướng vào các tỉnh miền Trung nước...