Dân Việt

“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương mách nước Lê Tú Chinh, kể chuyện riêng tư

Chính Minh 08/11/2019 15:40 GMT+7
Tại SEA Games 29 – 2017, điền kinh Việt Nam đã thống trị đường đua khi giành tới 17 HCV, gần gấp đôi số HCV của Thái Lan (9 HCV). Trong số đó, điểm sáng Lê Tú Chinh đã giành hat-trick HCV 100m, 200m, 4x100m. Câu hỏi là liệu ở SEA Games 30-2019 diễn ra tại Philippines cuối năm nay, Tú Chinh có thể duy trì phong độ ấn tượng đó?

Trong quá khứ, Vũ Thị Hương được nhắc tới như một “nữ hoàng tốc độ” của khu vực khi thống trị đường chạy ngắn 100m, 200m trong nhiều kỳ SEA Games.

img

Vũ Thị Hương là người đang giữ kỷ lục quốc gia cự ly 200m với thành tích 23 giây 27 lập tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Ảnh: I.T

Trên đấu trường châu lục, Vũ Thị Hương từng ghi dấu ấn đặc biệt với tấm HCB 200m, HCĐ 100m ASIAD 2010 (Quảng Châu – Trung Quốc) – điều mà đến nay, người được coi như “truyền nhân” của Hương là Lê Tú Chinh vẫn chưa làm được.

Gần nhất, tại ASIAD 2018 (Indonesia), Lê Tú Chinh thất bại khi không lọt được vào chung kết 100m (11 giây 76), 200m (24 giây 13) – đây đều là những thành tích gây thất vọng.

img

Sau khi tỏa sáng tại SEA Games 2017 với hat-trick HCV 100m, 200m, 4x100m, Lê Tú Chinh đã thất bại tại ASIAD 2018. Ảnh: I.T

Niềm tin đối với Tú Chinh chỉ trở lại tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 khi cô giành HCV 100m với thông số 11 giây 40, phá kỷ lục Đại hội và là kết quả tốt nhất của Tú Chinh tính tới thời điểm này.

Nội dung 200m, Tú Chinh giành HCV với thành tích 23,43 giây (còn kém xa thành tích tốt nhất 23 giây 32 giúp cô giành HCV SEA Games 2017). Cùng với đó, cô cũng mang về thêm HCV tiếp sức 4x100m cho TP.HCM (45,28 giây).

Vấn đề là trong năm 2019, thành tích của Tú Chinh ở nội dung 100m đang có dấu hiệu đi xuống (giao động từ 11 giây 67 tới 11 giây 71) với những gì đã thể hiện ở giải vô địch quốc gia và đấu trường Grand Prix châu Á.

img

Lê Tú Chinh hứa hẹn sẽ gặp nhiều khó khăn trên hành trình bảo vệ HCV 100m tại SEA Games 30-2019. Ảnh: I.T

Nội dung 200m, thành tích của Tú Chinh cũng chững lại (HCV giải vô địch quốc gia với thành tích 23 giây 79 – thua rất xa kỷ lục quốc gia 23 giây 27 mà “đàn chị” Vũ Thị Hương xác lập năm 2010)

Chứng kiến thành tích của Lê Tú Chinh, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy cũng cảm thấy lo lắng bởi rất khó để Tú Chinh duy trì thế thống trị ở đường chạy ngắn, đặc biệt khi chủ nhà Philippines đã nhập tịch một số VĐV mạnh, trưởng thành từ thể thao học đường của Mỹ như Kristina Knott (thành tích 100m tại giải Grand Prix châu Á 2019 là 11 giây 42; 200m là 23 giây 23) và Zion Nelson (thông số gần nhất ghi nhận 100m là 11 giây 41; 200m là 23 giây 16).

“Với chấn thương và phong độ hiện tại của Tú Chinh, theo tôi, khả năng bảo vệ HCV 100m SEA Games của Tú Chinh là rất khó. Còn nội dung 200m thì có nhiều khả năng hơn”, ông Dương Đức Thủy chia sẻ với báo chí.

Bản thân Tú Chinh thì thừa nhận vấn đề tâm lý đang là rào cản lớn nhất để cô bứt lên, vượt qua chính mình.

img

"Nữ hoàng tốc độ" một thời Vũ Thị Hương khuyên Lê Tú Chinh lên dốc hết tâm sức, tập trung tập luyện và ít quan tâm tới mọi thứ xung quanh. Ảnh: I.T

Đã lập gia đình và sinh sống hạnh phúc tại Australia, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương vẫn luôn theo sát bước chân của Lê Tú Chinh.

Trao đổi với Dân Việt, Vũ Thị Hương đã đưa ra lời khuyên dành cho “đàn em” khi SEA Games 30 đã ở rất gần:

“Sau khi chia tay đường chạy cách đây hơn 4 năm, tôi vẫn theo dõi điền kinh Việt Nam, đặc biệt là Tú Chinh bởi em thi đấu nội dung của tôi.

Khi có thời gian online, chị em vẫn nói chuyện và tôi vẫn chia sẻ kinh nghiệm của mình với Tú Chinh.

Tôi nghĩ có nhiều lý do khiến thành tích của Tú Chinh bị chững lại như vấn đề tâm lý, chấn thương, điều kiện tập luyện…

Để vượt qua chính mình, tôi nghĩ chỉ có duy nhất một cách là Tú Chinh phải cho thấy bản lĩnh, tâm lý vững vàng, luôn cố gắng trong từng bài tập ở mỗi buổi tập.

Chinh phải xác định rõ việc quan trọng nhất hiện tại đó là tập luyện, ít bận tâm hơn tới mọi thứ xung quanh.

Khi làm bất cứ việc gì cũng cần tâm huyết, cố gắng và tập trung cao độ vào việc đó thì mới mong thành công.

Năm nay Tú Chinh mới 22 tuổi và tất cả mới là mở đầu. Tú Chinh còn nhiều thời gian để cải thiện thành tích của mình”.

img

Vũ Thị Hương đang có cuộc sống hạnh phúc tại Australia. Ảnh: facebook nhân vật.

Tâm sự về cuộc sống cá nhân sau khi chính thức giã từ sự nghiệp trước thềm SEA Games 2015, Vũ Thị Hương bảo:

“Mối duyên của tôi và chồng cứ như một định mệnh. Tôi gặp anh ấy lúc tôi đang… thất tình.

Chồng tôi bảo từng thấy tôi trên ti vi khi thi đấu ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Anh ấy rất ấn tượng với phong cách thi đấu của tôi, rồi khi thấy ảnh trên facebook đã không thể rời mắt và thế là nhắn tin làm quen.

Một tháng sau khi làm quen trên mạng, chúng tôi gặp nhau và xác định kết hôn rất nhanh.

Sau tất cả, tôi nghĩ nếu không có duyên phận thì có yêu đến cả chục năm cũng vẫn chia tay. Còn khi đã là duyên phận, chỉ cần gặp nhau vài lần thôi đã quyết định ở bên nhau mãi mãi”.

Theo dòng chia sẻ, Hương chia sẻ cuộc sống của cô có phần đảo lộn từ khi có con:

“Trước đây chỉ quen được người khác chăm lo còn bây giờ thì phải chăm con. Mọi thứ đối với tôi còn rất bỡ ngỡ, không có bất kỳ kinh nghiệm gì và 6 tháng đầu tưởng như không thể vượt qua.

Nhưng tôi vẫn may mắn vì có chồng yêu thương, chia sẻ mọi thứ, vừa lo công việc, vừa lo cho vợ con.

Hiện tại mọi thứ đã vào nếp hơn và tôi cũng đã có chút kinh nghiệm chăm con. Không đùa chút nào nhé, tôi thấy chăm con còn mệt hơn khi còn đi tập, thi đấu”.

Trở lại với câu chuyện chuyên môn, khi Dân Việt đặt câu hỏi về việc điền kinh Việt Nam có thiếu tài năng không hay vấn đề nằm ở quá trình tìm kiếm và mài giũa “ngọc thô”? Vũ Thị Hương trả lời:

“Cá nhân tôi cho rằng điền kinh Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung không thiếu VĐV giỏi.

Vấn đề nan giải vẫn là sự đầu tư. Trong khi ở các nước phát triển, có điều kiện kinh tế tốt, họ đưa các VĐV chưa có thành tích gì nổi bật đi thi đấu các giải lớn, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh; thì ở ta, thường chỉ VĐV nào có thành tích mới được trong danh sách đi thi đấu.

Thậm chí, chính VĐV giỏi đó, chỉ cần vài giải thành tích kém hay chấn thương cũng sẽ bị loại khỏi danh sách.

Vẫn biết thể thao là vậy nhưng để chơi chuyên nghiệp và đỉnh cao thì đây không phải cách tốt thúc đẩy VĐV hết mình hay sống chết với nghề.

Chơi thể thao điều tối kỵ nhất đó là làm cho các VĐV ức chế, tinh thần không tốt chắc chắn không thể tập luyện tốt được.

Tâm lý quyết định nhiều trong mọi việc không nói gì riêng thể thao. Cần nhớ, VĐV cũng phải lo cuộc sống cá nhân, trong thời gian tập luyện và sau khi nghỉ...     

Muốn làm tốt để nâng cao thành tích thì vấn đề muôn thuở vẫn là chuyện kinh phí. Tôi hy vọng mọi thứ bây giờ đã tốt hơn thời điểm tôi còn thi đấu”.

img

Vũ Thị Hương tin Lê Tú Chinh có thể vươn tới những đỉnh cao mới trong sự nghiệp khi em mới 22 tuổi. Ảnh: I.T

Khép lại câu chuyện cùng Dân Việt, “nữ hoàng tốc độ” một thời Vũ Thị Hương bộc bạch:

“15 năm theo nghiệp thể thao là quãng thời gian không hề ngắn và phải rất yêu nghề tôi mới theo được như vậy.

Lúc này, mỗi khi xem các cuộc thi đấu tôi lại rất nhớ đường chạy, ngủ mơ vẫn thường xuyên thấy mình đi thi đấu.

Tôi rất muốn cùng chồng sang Philippines cổ vũ cho đội tuyển điền kinh Việt Nam so tài nhưng giờ con còn nhỏ quá, không đi được. Chắc chắn ở một giải đấu khác, khi con tôi đã lớn, tôi sẽ cùng gia đình đi xem thi đấu, để con mình biết mẹ từng là 1 VĐV điền kinh.

Trong cuộc sống, cần lắm 1 chữ duyên. Trước đây tôi có duyên trở thành VĐV điền kinh thì sau này nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn tiếp tục theo đuổi đam mê trong vai trò một HLV”.

Tại SEA Games 30-2019, đội tuyển điền kinh Việt Nam có lực lượng đông đảo nhất với 60 thành viên, trong đó có 46 VĐV, đặt mục tiêu giành từ 13-15 HCV.

Ngoài Lê Tú Chinh, những niềm hy vọng HCV có thể kể đến như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ), Nguyễn Thị Oanh (1500m, 5000m nữ), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ), Nguyễn Văn Lai (5000m nam), Dương Văn Thái (800m, 1500m nam), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Trần Thị Yến Hoa (100m rào nữ)…