Clip - Rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục bị hàng chục dự án đô thị lấn biển uy hiếp.
Ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Quảng NInh phê duyệt quy hoạch vùng huyện Hoành Bồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch này khu vực vịnh Cửa Lục sẽ có hàng nghìn hecta rừng ngập mặn bám theo Quốc lộ 279.
Rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục như một bức tường xanh vô cùng vững chắc chống gió bão, sóng thần, nó còn đóng vai trò to lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế xâm nhập mặn, làm sạch môi trường vùng ven biển.
Rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục cũng là môi trường lí tưởng cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể có nơi cư ngụ, tìm kiếm thức ăn, sinh sôi nảy nở, phát triển, tạo ra sự đa dạng các loài thủy hải sản.
Rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục đã trở thành nơi hàng trăm hộ gia đình sống quanh đó mưu sinh với nghề đào ngao, sò, đánh cá, nuôi hàu, hà...
Ngày 14/5/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch khu vực phía nam huyện Hoành Bồ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đã điều chỉnh diện tích rừng ngập mặn ở khu vực vịnh Cửa Lục.
Quy hoạch này do Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) tài trợ huyện Hoành Bồ xây dựng. Quy hoạch nam Hoành Bồ mới được điều chỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho huyện Hoành Bồ trong tương lai. Quy hoạch này đã di dời hầu hết các nhà máy xi măng và nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất bụi min PM 2.5 và khí thải hiệu ứng nhà kính CO2. Góp phần tạo dựng cảnh quan môi trường đô thị sinh thái hiện đại trong tương lai, thúc đẩy và mở rộng không gian đô thị cho TP.Hạ Long về phía bắc.
Quy hoạch điều chỉnh chung TP.Hạ Long đến năm 2040 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 702/QĐ-TTg đã kết nối với quy hoạch chung điều chỉnh nam Hoành Bồ bởi 3 cây cầu bắc qua sông Cửa Lục.
Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia về quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch điều chỉnh chung phía Nam Hoành bồ cũng có những bất cập, đặc biệt tuyến đường đô thị ven sông kết hợp quy hoạch đất biệt thự lấn ra rừng ngập mặn thuộc các xã Thống Nhất - Lê Lợi sẽ làm mất đi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã trồng 30 năm về trước.
Cũng theo nhiều chuyên gia về quy hoạch - kiến trúc, nếu TP.Hạ long sau khi mở rộng và khai thác tài nguyên đất đai san lấp ở phía rừng đầu nguy cơ khi có mưa lũ, đất đá chảy ra vịnh Cửa Lục sẽ lấp hết vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường vịnh.
Trước đây khu Vựng Đâng - Cao Xanh - Hà Khánh đã mở rộng xây dựng các khu đô thị ra đến sát luồng tàu nên nếu tiếp tục lấn ra khu rừng ngập mặn Cửa Lục trong tương lai nguy cơ vịnh Cửa Lục sẽ ô nhiễm nặng.
Vịnh Cửa Lục cũng sẽ bị bồi lấp bởi đất đá khiến cho nơi đây không còn giá trị về cảnh quan môi trường, giao thông đường thủy cũng gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí để nạo vét luồng.
Cảng Cái Lân cũng sẽ không thể hoạt động được do luồng lạch đã bị bồi lấp, nếu không tính toán kỹ quá trình san lấp xây dựng hạ tầng cơ sở đô thị thì việc mở rộng đô thị về phía Bắc sẽ không còn giá trị.
Mới đây, sau khi giải tỏa hơn 300ha diện tích bãi triều khu vực vịnh Cửa Lục bị người dân lấn chiếm để nuôi hà dây, chính quyền huyện Hoành Bồ cam kết sẽ trồng rừng ngập mặn toàn bộ khu vực này, tuy nhiên theo quy hoạch mới khu vực này sẽ trở thành đô thị, cảng biển.
Trao đổi vớI PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện này việc trồng rừng ngập mặn thay thế khi có dự án lấy đất rừng đang hết sức khó khăn. Do có nhiều bất cập trong quá trình triển khai trồng rừng ngập mặn thay thế nên các địa phương không mặn mà với những dự án này.