Dân Việt

Có nghề nông dân thoát nghèo bền vững

Thùy Anh 08/11/2019 16:35 GMT+7
Nhờ được đào tạo nghề sát với nhu cầu của bản thân cũng như gắn với thị trường lao động, nhiều lao động nông thôn ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đã có công việc ổn định, tăng thu nhập. Nhiều người trong số đó còn thoát nghèo bền vững.

Thay đổi thói quen canh tác nhờ học nghề

Mới đây PV đã có dịp tham gia cuộc kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Sở LĐTBXH TP Hà Nội tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều nông dân sau học nghề đã áp dụng hiệu quả các kiến thức được học để tìm việc làm mới hoặc nâng cao năng suất lao động và nâng cao thu nhập từ nghề cũ. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

Bà Đặng Thị Bình ở đội 5 (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) từng là hộ nghèo. Sau khi được học học nghề trồng rau an toàn bà Bình đã ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất, giá trị sản lượng cao. Với hơn 1 héc ta trồng rau, củ, mỗi năm gia đình bà cũng thu được khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Nguồn thu này giúp gia dình bà thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

 Bà Bình cho biết, gia đình bà có diện tích đất vườn khá lớn trồng các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách… Trước đây, bà chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, năng suất, chất lượng rau không cao. Sau khi áp dụng các kiến thức được đào tạo, vườn rau của bà Đặng Thị Bình, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín cho năng suất cao hơn, chất lượng đảm bảo an toàn hơn.

img

Lớp dạy nghề trồng rau an toàn sinh học trong nhà kính cho người dân Thường Tín . Ảnh N.Tạ

Từ khi được tham gia lớp trồng rau an toàn theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà huyện Thường Tín tổ chức, bà đã nắm được cách trồng, cách chăm sóc, bón phân, cách ngâm ủ các loại giống nên việc gieo trồng khá thuận lợi, giống rau lên đảm bảo 100%. Cũng qua lớp dạy nghề này bà còn biết được cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, phải có thời gian cách ly sau khi phun qua bao nhiêu ngày mới được thu hoạch để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

“Lớp dạy nghề rất thiết thực và hữu ích đối với chúng tôi, chúng tôi mong muốn huyện sẽ mở thêm nhiều lớp dạy nghề như thế này và có thêm nhiều bà con nông dân được theo học để góp phần nâng cao năng suất nghề nông nghiệp cũng như nâng cao đời sống cho bà con nông dân”- bà Bình chia sẻ.

                    

Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Thường Tín đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 700 lao động nông thôn. Các lớp đã hoàn thành xong trước tháng 10/2019.

Phòng LĐTBXH huyện Thường Tín

Theo bà Bình, 30 học sinh của lớp trồng rau an toàn sau học nghề cũng đã mở rộng diện tích canh tác. Nhiều người đã thành lập được những cánh đồng trồng rau diện tích lớn, cung cấp rau cho của hàng và chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Bà Lê Thị Lan (42 tuổi) một học sinh từng học lớp dạy nghề trồng rau an toàn năm 2017 trên địa bàn xã Tự Nhiên cho hay: “Nhờ học nghề mà tôi nắm được những kỹ thuật căn bản để trồng rau an toàn. Giờ đây tất cả người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi lối canh tác rau theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hàng hóa để tăng chuỗi giá trị sản phẩm”.

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

Ông Nguyễn Quyết Thắng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, địa hình của địa phương có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp như: Khí hậu ôn đới, địa hình nằm ở vùng bãi đê ven sông Hồng. Do đó, xã cũng định hướng cho bà con phát triển nông nghiệp. Hiện tại xã có hơn 10.000 người sinh sống, kinh tế chủ yếu là thuần nông, trồng trọt, chăn nuôi (chiếm 85%) còn lại kinh doanh dịch vụ nhỏ.

 “Sau khi được khảo sát, tư vấn, nhiều bà con nông dân xã Tự Nhiên có nhu cầu và đã đăng ký theo học các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như trồng rau sạch, rau an toàn… Nhiều học sinh đánh giá các lớp học rất thiết thực, hiệu quả đã giúp cho năng suất trồng trọt của bà con nâng lên, thu nhập cải thiện, nhiều hộ dân xã Tự Nhiên nhờ đó đã có thể vươn lên thoát nghèo”- ông  Thắng nói.

Ông Kiều Xuân Huy- Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật, phê duyệt kinh phí, huyện còn thường xuyên tiến hành kiểm tra giám sát, đánh giá về công tác dạy nghề.

Đáng chú ý, để đảm bảo gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện Thường Tín đã giao phòng LĐTBXH phối hợp với các cơ sở dạy nghề và các địa phương, hội, đoàn thể tại địa phương thực hiện tư vấn, khảo sát đối tượng có nhu cầu học nghề trước khi tuyển sinh nhằm đảm bảo tuyển đúng đối tượng, đủ số lượng, đúng nghề mà người lao động có nhu cầu; đảm bảo chỉ dạy nghề khi xác định được đầu ra cho người học.

“Chúng tôi không chạy theo số lượng. Huyện Thường Tín xác định mục tiêu tối thiểu 80% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất cao hơn”- ông Huy cho biết.

Ông Huy cũng chia sẻ, năm 2018 huyện đã tổ chức được 17 lớp đào tạo nghề cho 595 lao động nông thôn, trong đó có 12 lớp đào tạo nghề nông nghiệp (gồm các nghề trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; chăn nuôi thú y) cho 420 người, 5 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (gồm các nghề xây trát dân dụng, điện dân dụng; hàn) cho 175 người. Tổng số người sau khi học nghề có việc làm là 588/595 người chiếm tỷ lệ 96,7%, trong đó số người được doanh nghiệp tuyển dụng là 175/595 người, số người tự tạo việc làm là 413/595 người.