Nguồn tin của cho biết, sự cố xảy ra khi tổ lái A320 của Jetstar Pacific thực hiện bài bay huấn luyện hạ độ cao khẩn cấp (bay bổ nhào) trên Thiết bị mô phỏng buồng lái động (Full Flight Simulator) của dòng máy bay Airbus 320/321 tại Trung tâm Huấn luyện bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ở TP. HCM.
Tham gia bài huấn luyện có 3 người, gồm: 1 cơ trưởng, 1 cơ phó và 1 giáo viên của Trung tâm. Trong lúc áp suất buồng lái thay đổi đột ngột, mặt nạ dưỡng khí được thả xuống để trợ giúp người lái, 1 phi công đeo mặt nạ vào nhưng sau đó nhanh chóng bất tỉnh.
Nhận thấy có sự bất thường, 3 người khác lập tức tháo mặt nạ, dừng bài bay, thực hiện sơ cứu cho viên phi công này tỉnh lại và sau đó đưa đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.
Cùng ngày, viên phi công này được bệnh viện kết luận sức khỏe đã ổn định trở lại nhưng vẫn xin phép hãng trở lại Australia kiểm tra sức khỏe, kết hợp với kỳ nghỉ phép.
Ngay sau sự cố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã quyết định thành lập tổ điều tra để tiến hành làm rõ sự việc. Cục Hàng không Việt Nam cũng cử người phối hợp, giám sát hoạt động điều tra.
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến sự cố là phi công bị choáng do hít phải khí nitơ. Trên thiết bị mô phỏng buồng lái động có bảo quản 2 loại bình khí ôxy và nitơ để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Do kỹ thuật viên đấu nhầm nên phi công đã hít phải khí nitơ trong khi lẽ ra phải có ôxy để trợ thở.
Từ ngày hôm nay (1.3), Thiết bị mô phỏng buồng lái động gây sự cố được khai thác trở lại sau khi đã bị tạm đình chỉ để phục vụ công tác thanh tra. Tuy nhiên, bài bay huấn luyện gây sự cố phải chờ thêm thời gian xây dựng lại hệ thống khí chuẩn mới được đưa vào đào tạo.
Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được được Cục Hàng không phê chuẩn trở thành Cơ sở huấn luyện năng định chuyển loại (TRTO) từ năm 2003. Trung tâm này thực hiện hoạt động huấn luyện chuyển loại đối với phi công lái các loại máy bay Boeing 777, Airbus 320/321/330, ATR 72 và Fokker 70.
Thiết bị mô phỏng buồng lái động dung cho dòng máy bay Airbus A320/ A321 xảy ra sự cố được Trung tâm huấn luyện bay có giá khoảng 10 triệu USD, được đưa vào sử dụng từ tháng 6.2012.
Quá trình huấn luyện trên thiết bị ngay tại Việt Nam là một bước đột phá giúp các hãng hàng không nội địa tiết giảm được các loại chi phí phát sinh khi thực hiện huấn luyện tại nước ngoài, chủ động kế hoạch khai thác thiết bị, sử dụng hiệu quả nhân sự khai thác bay.