Tết 2020 không lo thiếu thịt
Tính đến ngày 9-11, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng vọt tại nhiều tỉnh phía bắc, có nơi báo lên tới 76.000 đồng/kg. Hai miền còn lại cũng tăng thêm so với ngày hôm trước. Sở dĩ có tình trạng này đó là do ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc thời gian qua, có nhiều lo lắng về nguồn thực phẩm thịt lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ này đã có phương án bù lại số lượng lợn để không diễn ra tình trạng thiếu thực phẩm cuối năm. Theo đó ngành nông nghiệp đã tập trung tăng cường sản xuất các nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản; đảm bảo an toàn dịch bệnh, yêu cầu dứt khoát phải có sản xuất chuỗi và bán ở đâu.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: “Nếu khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bồi dưỡng tăng số lượng nhanh, bằng sự gia tăng đó sẽ cân đối, đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc", Bộ trưởng nói.
Thiết bị theo dõi điện mặt trời cũng có “đường lưỡi bò”
Thị trường khu vực miền Nam vừa xuất hiện thiết bị biến đổi điện mặt trời xuất xứ từ nước ngoài có chứa hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò". Cụ thể, qua thông tin Tập đoàn nhận được từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), hiện nay trên thị trường khu vực miền Nam vừa xuất hiện thiết bị biến đổi điện mặt trời (Inverter) xuất xứ từ nước ngoài, ứng dụng phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò".
Ngay lập tức, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc và khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thủ đoạn tuyên truyền phi pháp này.
Đường lưỡi bò đã xuất hiện trên nhiều sản phẩm tại Việt Nam.
EVN nhận định đây là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Để chấm dứt và ngăn chặn sự việc nêu trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đơn vị thành viên của EVN và người đại diện phần vốn của EVN khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả trang thiết bị, phần mềm, tài liệu kĩ thuật nhằm phòng ngừa khi mua sắm, kịp thời phát hiện và loại bỏ hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" tại đơn vị.
Trường hợp phát hiện các thiết bị, phần mềm, tài liệu kỹ thuật của đối tác, khách hàng sử dụng điện chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò", EVN yêu cầu đơn vị báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với đối tác, khách hàng sử dụng điện để yêu cầu loại bỏ hình ảnh xuyên tạc hoặc chấm dứt sử dụng các thiết bị, phần mềm, tài liệu kỹ thuật nêu trên.
Nếu đối tác, khách hàng sử dụng điện không hợp tác và khắc phục, đơn vị ngừng thực hiện giao dịch, mua bán hoặc cung cấp các dịch vụ điện liên quan.
Nhập siêu ô tô năm 2019 sẽ đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD
Theo báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ô tô mới được Bộ Công Thương gửi Quốc hội, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh trong vòng 2 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng thị trường xe dưới 9 chỗ trung bình 20 - 30%/năm, dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ vượt Philippines cả về sản xuất lẫn bán hàng.
Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan, sau 9 tháng năm 2019 cả nước đã nhập khẩu hơn 109.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại với kim ngạch 2,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh tới 267% về lượng và 257% về giá trị.
Dẫn đầu về lượng ô tô nhập khẩu về nước vẫn là xe con (dưới 9 chỗ) với khoảng 75.848 xe với trị giá 1,459 tỷ USD. Xếp sau lần lượt là ô tô vận tải với khoảng 22.397 xe (548 triệu USD) và xe trên 9 chỗ với 217 xe (7,2 triệu USD).
Bộ Công Thương quan ngại, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.
Mặt khác, một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia.
Đà Nẵng cấp mới 101 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 416 triệu USD
Theo báo cáo của Tổ công tác thực hiện Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại TP. Đà Nẵng, trong 10 tháng từ đầu năm 2019, TP.Đà Nẵng đã thu hút được 3.560 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 632,2 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước và cấp quyết định chuyển nhượng dự án, tổng vốn đầu tư là 3.560 tỷ đồng; giãn tiến độ cho dự án Khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp ven biển Non Nước của Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước.
Về FDI, có 101 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 416,348 triệu USD; 11 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,32 triệu USD; 130 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 98,564 triệu USD.
Xét về địa bàn đầu tư các dự án FDI, có 2 dự án đầu tư được cấp mới trong Khu Công nghệ cao là Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Hoa Kỳ), Dự án Nhà máy sản xuất- lắp ráp thiết bị chữa cháy, đồng bộ đo áp suất của Công ty Hatsuta Seikakusho với tổng vốn đăng ký đầu tư 172 triệu USD; 5 dự án đầu tư được cấp mới trong Khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký 27,45 triệu USD và 94 dự án đầu tư được cấp mới ngoài các Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao tổng vốn 216,898 triệu USD.
Luỹ kế đến nay, thành phố có 326 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 99.124 tỷ đồng và 783 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD.
Đến nay, các dự án trao quyết định chứng nhận đầu tư đang được xây dựng theo đúng tiến độ như Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Hoa Kỳ) xây dựng vượt tiến độ, dự kiến tháng 12/2019 chính thức đi vào hoạt động; Dự án mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều của Công ty CP Mikazuki (Nhật Bản) đang được đẩy nhanh xây dựng, dự kiến khai trương vào tháng 4/2020…
Hà Nội kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa
Theo Báo cáo của Liên hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17 trên 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa lớn trên thế giới, 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Thành phố thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông. Nguồn phát sinh rác thải nhựa đến từ: Chất thải sinh hoạt của dân cư, khách vãng lai, du lịch; chất thải nhựa từ các chợ, tụ điểm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí…
Nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quy định về việc hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2020. Đồng thời, giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố, từ ngày 1/9/2019, các cơ quan của TP đã thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Ngày 25/10/2019, Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 232 về Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố với mục tiêu: 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa…
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị được vận động khuyến khích người thân trong gia đình không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilông khó phân hủy, "nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilông khó phân hủy".
Bên cạnh đó, trong năm 2019-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết kế hoạch thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại trường học. Hiện đã triển khai thu gom ống hút nhựa, vỏ hộp sữa tại 637 trường thuộc 16 quận, huyện, thị xã. Từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa, túi nilông theo kế hoạch.
Tại Hà Nội, tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành,...