Bình Định đã yêu cầu cấm biển để bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân.
Ngày 9/11, ông Phan Tuấn Linh - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết để tập trung toàn bộ lực lượng ứng phó với bão số 6, từ 8h sáng nay (9/11), Công ty tạm dừng hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng.
Tại kè biển thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn), nhiều người dân đã dùng bao cát chèn chống, che chắn nhà cửa. Lực lượng thanh niên xung kích và người dân cũng đang khẩn trương khắc phục đoạn đê bị vỡ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn Nguyễn Công Vịnh, có khoảng 140 hộ dân sinh sống dọc tuyến kè ở thôn Hải Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi bão số 6.
“Để đảm an toàn cho người dân, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ số hộ dân nói trên đến trụ sở thôn và trường học của xã. Mặt khác, hướng dẫn người dân địa phương chèn chống nhà cửa và huy động lực lượng, phương tiện gia cố đoạn kè bị hư hỏng”, ông Vịnh nói.
Người dân ven biển Bình Định dùng rọ sắt chất đá... khắc phục kè chống bão số 6.
Tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát), chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương, cơn bão số 5 vừa qua đã làm sạt lở 300m3 đất đá Núi Gành, uy hiếp 22 hộ dân ở địa phương. Trước mắt, huyện vận động bà con đến các hộ dân khác trong thôn để ở tạm.
Kiểm tra kè bờ biển Nhơn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc khắc phục bờ kè bị sóng biển cuốn trôi do bão số 5, sẵn sàng các phương án di dời toàn bộ các hộ dân sống bên chân sóng, dọc bờ biển lên vùng cao, trú ẩn an toàn, tuyệt đối không để hộ dân nào ở lại trong nhà khi bão đổ bộ vào.
“Các địa phương hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6, chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết để phòng bị chia cắt dài ngày”, ông Dũng yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiểm tra vùng xung yếu trước khi bão vào đất liền.
Tất cả các cơ quan, đơn vị túc trực 24/24 giờ từ ngày 9/11, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương nhanh chóng cấp phát bao tải cát miễn phí cho dân, hỗ trợ lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, lồng bè.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định duy trì 100% quân số, thành lập 5 đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Người dân TP.Quy Nhơn dùng bao cát chèn chống nhà cửa.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn như: phao bè, xuồng, nhà bạt, giường, chiếu, vật chất sinh hoạt tại các phòng tập trung, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền xuất bến bắt đầu từ 17h ngày 8/11 cho đến khi kết thúc bão số 6.
Lực lượng chức năng khẩn trương hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn.
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão kết hợp với rìa phía nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường, nên từ chiều tối 9 đến ngày 12/11, ở khu vực tỉnh Bình Định xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng.
Từ đêm nay đến ngày 12/11, mực nước trên các sông trong tỉnh Bình Định xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức BĐ2-3, có nơi trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn.