Tại cảng cá Quy Nhơn, lực lượng chức năng đang hướng dẫn, sắp xếp cho hơn 400 tàu cá, tàu vỏ thép vào neo đậu tránh trú.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiểm tra lại công tác neo đậu, chèn chống tàu thuyền, nhà cửa và kêu gọi tất cả các tàu thuyền, kể cả những tàu đánh bắt gần bờ không được chủ quan. Ông Nguyễn Bá Tiết, Chủ tàu cá BĐ 10573 (ở TP.Quy Nhơn) cho biết: “Khi đánh bắt trên biển, nghe thông tin Bộ đội Biên phòng và người nhà báo về diễn biến cơn bão, tôi khẩn trương quay về cảng tránh trú. Để bảo vệ tính mạng tài sản, tôi không đi biển nữa mà neo đậu tàu rồi lên bờ, khi nào bão tan thì mới ra khơi”.
Người dân dùng đá, rọ sắt để gia cố đe kè bảo vệ dân làng trước bão.
Người dân TP.Quy Nhơn chèn nhà cửa để chống chọi với 2 trận bão liên tiếp chỉ trong vòng 10 ngày.
Lo ảnh hưởng bão gây mưa lớn, lũ về bất chợt nên nhiều chủ vườn mai ở thị xã An Nhơn đã đưa cây đến nơi an toàn. Ông Lê Ngọc Mây (46 tuổi, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong) cho biết: “Mỗi chậu mai vận chuyển từ ruộng lên bờ gia đình ông phải tốn ít nhất 15.000 đồng, thế nhưng nhiều khi tìm “mỏi mắt” vẫn không có đủ nhân công để thuê. Do ở đây nhà nào cũng trồng mai nên mùa lũ cần nhân công rất lớn, phải có chế độ đặc biệt mới mong tìm ra người phụ giúp. Lo lũ cuốn 300 chậu mai bán dịp Tết, năm nay tôi phải cắn răng thuê người đưa mai lên đây, tính ra mất thêm 4,5 triệu đồng”.
Do quãng đường vận chuyển mai xa hơn nên mỗi chậu mai của gia đình anh Lâm Sĩ Được (31 tuổi, cùng thôn Trung Lý) phải tốn mức phí 20.000 đồng. “Để trồng 1 cây mai đến lúc bán phải mất 4-5 năm, bỏ ra biết công sức tiền của, nhưng khi bán 500 - 900 ngàn đồng/chậu, tính ra lời lãi chẳng đáng là bao. Năm nào không bị bão lũ, mai được mùa thì còn có lãi, còn gặp bão lũ thì lỗ chổng vó. Hy vọng năm nay mai ra hoa đẹp, có giá cao để chúng tôi có cái Tết sung túc”, anh Được nói.
Bình Định thực hiện lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền xuất bến bắt đầu từ 17h ngày 8/11 cho đến khi kết thúc bão số 6.
Tỉnh Bình Định đã cho kiểm tra lại công tác neo đậu, chèn chống tàu thuyền, nhà cửa. Ngoài ra, kêu gọi tất cả các tàu thuyền (kể cả những tàu đánh bắt gần bờ), các lồng bè thủy sản phải chèn chống, đưa vào nơi an toàn và thu hoạch, tận thu để giảm thiệt hại.
Tàu thuyền được ngư dân đưa dắt, neo đậu ở nơi trú ẩn an toàn.
Dân Bình Định ra biển xúc cát cho vào bao để chằng mái nhà chống bão.
Ông Nguyễn Văn Đông (56 tuổi, thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) cho biết, gia đình ông đã nhận bao tải từ ủy ban xã, sau đó cho cát vào để chằng nhà, dùng xi măng để trám lại những lổ hổng, không để gió lồng vào có thể gây tốc mái. Ngoài ra, ông cùng nhiều người dân khác liên tục theo dõi thông báo bão trên các phương tiện truyền thông để có phương án ứng phó tốt nhất.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, bão số 5 đã làm sập 143 ngôi nhà, 1.164 ngôi nhà khác bị hư hỏng và 2.042 ngôi nhà ngập nước… tổng thiệt hại ước tính 358 tỷ đồng. Theo dự báo, chỉ còn hàng chục giờ đồng hồ nữa, tỉnh này sẽ tiếp tục đón bão số 6.