Dân Việt

3 vụ “thảm sát” dân thường khủng khiếp nhất của nghĩa quân Lương Sơn Bạc

Thanh Xuân 09/11/2019 16:33 GMT+7
Đọc Thủy Hử, độc giả chúng ta hẳn tâm đắc với những trận đánh kinh thiên động địa của nghĩa quân Lương Sơn. Từ vụ cướp pháp trường Giang Châu cứu Tống Giang – Đới Tung, tấn công phủ Đại Danh giải thoát Lư Tuấn Nghĩa, trận chiến ở Độc Long Cương với hai nhà Hổ - Chúc hay lần đánh hạ Tăng Đầu Thị trả thù cho Tiều Cái…

Nhưng nếu đọc thật kỹ những sự kiện ấy, chúng ta sẽ nhận thấy một sự thật đầy bi thương ẩn dưới (đa số) các trận chiến gắn mác “Thế Thiên hành Đạo”. Đó là ngàn vạn cái chết của dân thường vô tội. Trong bài viết này, Dân Việt sẽ lần lượt điểm qua các cuộc “thảm sát” của quân đội Lương Sơn.

img

Hảo hán Lương Sơn Bạc đã gây ra nhiều vụ thảm sát trong các trận chiến của họ.

Cướp pháp trường Giang Châu: giết hơn 500 người

Cuối hồi 39, sau khi nhóm Tiều Cái, Hoa Vinh, Lý Quỳ (…) đánh cứu được Tống Giang – Đới Tung ở pháp trường Giang Châu rồi hợp cùng bọn Lý Tuấn, Trương Thuận (…) ở bến sông, cả thảy 29 hảo hán tạm rút về Bạch Long Miếu. Được tin quân Giang Châu “khua chiêng dóng trống, cờ xí rợp trời, sửa soạn binh mã đuổi theo” thì cả bọn “một trăm năm mươi người đón đánh quan quân thành Giang Châu, khiến cho máu chảy đầy sông, xương phơi khắp chốn”.

“Bấy giờ quân mã thành Giang Châu bị hảo hán Lương Sơn Bạc đánh giết, phải rút lui về thành.Bọn Lương Sơn theo đuổi đến thì cửa thành đã đóng giữ kiên cố, ném đá bắn tên ra, hảo hán vây hãm vài ngày, xét đánh thành không tiện, mới rút lui về miếu Bạch Long để xuống thuyền, Tiều Cái kiểm điểm số quân đầy đủ, rồi xuống thuyền lại gặp gió xuôi, nên đi nhanh chóng. Ba chiếc thuyền chở đầy người ngựa, thẳng tới Mục Gia Trang”.

Tại nhà Mục Thái Công, Tống Giang nhờ Tiết Vĩnh vào thành Giang Châu do thám tình hình. Sau hai ngày Tiết Vĩnh về kéo theo “nội gián” Hầu Kiện. Và Thi Nại Am đã mượn lời của Tiết Vĩnh để nói về “hậu quả” trận giao tranh ở Giang Châu của quân Lương Sơn: “Hiện nay Xài Tri Phủ kiểm điểm các quan quân cùng dân chúng, bị chết mất hơn năm trăm người, còn bị đạn và trúng thương thì không biết đến đâu mà kể?”.

img

Lần cướp pháp trường cứu Tống Giang khiến hơn 500 người Giang Châu thiệt mạng.

Trận đánh Giang Châu do Tiều Cái làm chủ, thời điểm quân lực Lương Sơn vẫn khiêm tốn, kế hoạch triển khai cũng nhiều kẽ hở nên mức độ gây tổn hại với lương dân còn thấp. Nhưng ở những lần sau đó, khi Tống Giang thống lĩnh quân đội đi chinh phạt thì quy mô “thảm sát” tăng lên theo cấp số nhân.

Trận chiến Độc Long Cương: xóa sổ 2 gia trang

Ở hồi 49, kết hợp với kế phản gián của nhóm Tôn Lập, quân Lương Sơn dưới sự chỉ huy của Tống Giang chia binh bốn mặt quây đánh Chúc Gia Trang nội ứng ngoại hợp, thu được toàn thắng. Thắng lợi đầu tiên và cực kì quan trọng đối với Tống Giang sau khi chàng ta chính thức lên Lương Sơn. Và đây là một số chi tiết nổi cộm nhất trong cuộc thảm sát của quân Lương Sơn:

- “Cố Đại Tẩu múa song đao xông vào trong phòng, tìm bao nhiêu đàn bà trẻ con, tặng cho mỗi người một dao, không còn mống nào sót lại”.

- “Chúc Triều Phụng thấy sự thế nguy biến, liền đâm đầu xuống giếng, bị Thạch Tú nhanh tay chém cho một dao, rồi cắt lấy thủ cấp. Đoạn rồi mười mấy vị chia tay nhau mà đuổi giết trang binh”.

- “Chúc Long đấu với Lâm Xung không nổi, quay ngựa chạy về lối cổng sau. Khi vào tới đích kiều thấy Giải Trân, Giải Bảo, đương ném xác trang khách vào đống lửa”.

- “Bấy giờ Lý Quỳ đang thuận tay thích chém, thẳng đến Hổ Gia Trang, đem toàn gia họ Hổ bất cứ trẻ già đều chém chết hết. Đoạn gọi lâu la dắt ngựa, thu lấy của cải, rồi cho một mồi lửa đốt cháy trang viện”.

img

Trận chiến ở Độc Long Cương, toàn gia 2 nhà Chúc – Hổ và hàng ngàn dân binh bị sát hại.

Giờ chúng ta ngược lại một chút về hồi 46, khi Đỗ Hưng – tổng quản của Lý Ứng kể với Dương Hùng về thế lực 3 gia trang ở Độc Long Cương: “Quãng trước mặt đây có dãy núi Độc Long Cương, chia làm ba ngọn, trong đó có ba thôn trang, khoảng giữa Chúc Gia Trang, phía tây Hổ Gia Trang, bên đông là Lý Gia Trang. Ba thôn ấy có tới hai ba vạn nhân khẩu, duy Chúc Gia Trang là oanh liệt hơn cả…Trong trang có tới hai nghìn trang khách thạo giỏi võ nghệ”.

Dân số của riêng Chúc Gia Trang cũng được nhắc tới ở một lần khác, qua lời của lão Chung Ly, người có ơn với Thạch Tú: “một thôn Chúc Gia chúng tôi đây cũng có gần hai vạn người, còn hai bên đông tây lại có hai thôn nữa…”. Tiếp đến là lời chốt hạ của Tống Giang với Chung Ly “Lẽ ra ta định làm cỏ hết cả thôn này, song nghĩ lão già có ơn khi trước mà tha cả cho dân, từ nay phải yên nghiệp làm ăn mới được”.

Nghe mới nhân nghĩa làm sao, nhưng ở trận chiến Độc Long Cương, trừ Lý Gia Trang không chịu tổn hại về nhân lực, số mạng người của hai trang Hổ - Chúc bị tắm máu bởi quân Lương Sơn chắc chắn là nhiều vô kể. Dù Thi Nại Am không ghi chép cụ thể nhưng tính toàn gia hai nhà Hổ Chúc, dân thường, trang khách có võ nghệ, quân binh (quân thôn trang thì khác gì dân) có lẽ cũng lên tới vài ngàn.

Đánh phủ Đại Danh: thảm sát 5000 dân thường

Trận đánh chốt hạ Phủ Đại Danh – thành Bắc Kinh của quân Lương Sơn diễn ra vào đúng dịp tết Nguyên tiêu, triển theo mưu kế của Ngô Dụng: “Hiện mới đầu mùa xuân, sắp đến ngày tết Nguyên Tiêu.Trong thành Đại Danh tất có hội chơi đèn rất náo vậy ta nên thừa cơ hội nầy mà phục binh trong thành, rồi sau sẽ kéo đại binh ập vào thì thế nào cũng phá được”.

img

“Đỉnh cao” chính là lần đánh phủ Đại Danh với cuộc “tắm máu” hơn 5000 dân thường.

Cuộc tổng tấn công nội ứng ngoại hợp của Lương Sơn ở phủ Đại Danh “kinh dị” đến mức nào, chúng ta lần lượt đến các đoạn viết của tác gia họ Thi ở hồi 65. Đầu tiên: “Bấy giờ dân trong thành Đại Danh, đều cắm đầu chạy trốn, nhà nào nhà nấy đều kêu khóc như di, khắp trong thành chỗ nào cũng có tiếng người kêu lửa cháy, rối loạn kinh hoàng”.

Tiếp đến Thi Nại Am dẫn lời của Sái Phúc (vốn là tay cai ngục kiêm luôn việc đao phủ) nói với Sài Tiến: “Đại Quan Nhân nên cứu cho nhân dân trong thành, chớ để cho họ đánh giết quá đỗi mới được”. Hỡi ôi, đến một kẻ chuyên làm nghề trảm đầu người, thấy máu không ghê như Sái Phúc cũng phải khiếp đảm với màn chém giết ở phủ Đai Danh thì mới hiểu được cuộc thảm sát này có mức độ kinh khủng đến nhường nào.

“Sài Tiến nghe Sái Phúc nói vội vàng chạy tìm quân sư để nói chuyện. Khi Ngô Dụng tiếp được Sài Tiến thì dân sự trong thành đã thiệt hại đến quá nửa. Ngô Dụng liền hạ lệnh cấm quân sĩ không được giết hại chi nữa”. Câu hỏi đặt ra: “Dân sự thiệt hại quá nửa” thì chính xác là bao nhiêu mạng người?

Chúng ta đến với một đoạn viết ở hồi 66 để có câu trả lời: “Nói về Lương Trung Thư… khi về tới phủ vợ con trẻ già, mười phần còn sót hai, người nào người ấy kêu khóc như mưa... Lương Trung Thư liền khảo giấy bẩm vào Sái Thái Sư xin khiển tướng điều binh đi đánh Lương Sơn. Trong đó kể hết tình thế giặc Lương Sơn và thiệt hại trong thành Đại Danh, dân số chết hơn năm ngàn người, trúng thương rất nhiều. Các bộ quân mã thì thiệt tới hơn ba vạn”.