35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều hồ sơ, tài liệu thuộc loại tuyệt mật của chính quyền Sài Gòn đã được giải mã, giúp cho mọi người biết được những giờ phút cuối của một chế độ tay sai, bù nhìn.
Một trong những nhân chứng của "phút 89" ấy, là cựu Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận, người từng là sĩ quan tùy tùng cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, rồi sau đó, đến đầu tháng 4/1975, phụ trách an ninh cho cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Phận cũng là người cùng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm chạy khỏi Việt Nam vào buổi tối ngày 25/4/1975.
Ông Nguyễn Tấn Phận đã nói về những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm ở Sài Gòn...
Nguyễn Văn Thiệu ở dinh Độc Lập (người đi sau, bên phải là Nguyễn Tấn Phận).
"Tôi về trình diện Phủ thủ tướng vào đầu tháng 4/1975, chưa nhận nhiệm sở mới thì Đại tướng Trần Thiện Khiêm từ chức thủ tướng chính phủ. Tôi được chuyển qua làm việc tại văn phòng cố vấn quân sự của Phó tổng thống Trần Văn Hương...". Nguyễn Tấn Phận, viên Thiếu tá quân đội Sài Gòn nhớ lại. Sở dĩ có việc này là vì Trần Văn Hương ngay sau khi nhậm chức, đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Trần Thiện Khiêm làm cố vấn quân sự.
Dù mang tiếng là làm việc tại "văn phòng cố vấn quân sự", nhưng nhiệm vụ của Phận chỉ lo về an ninh cho vợ chồng Trần Thiện Khiêm. Thỉnh thoảng, ông ta lại hộ tống vợ Khiêm đi thăm viếng, cúng dường các chùa chiền ở vùng Thủ Đức.
Giữa tháng 4, mấy ngày sau khi Trần Thiện Khiêm từ chức, vợ Khiêm cử người đến nhà riêng của tướng Charles Timmes. Phận kể: "Bà cho tôi biết Timmes có viết cho bà mấy câu trong một tấm thiệp nhỏ, đại ý là đừng gọi điện thoại vì nhà ông ta không có... điện thoại (?!)".
Có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1961, Charles Timmes là Trung tướng hồi hưu, chỉ huy toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn. Sau đó, Timmes trở thành một viên chức cao cấp, nhiều thế lực của Phái bộ Viện trợ quân sự Mỹ. Timmes quen biết và gần gũi với hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn - kể cả Đại tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ... Nhiệm vụ của Timmes là "tiếp xúc và tìm hiểu tinh thần của họ, nên ai cũng là bạn ông ta" theo như nhận xét của Trần Thiện Khiêm sau này: "Cỡ như Timmes, nếu muốn có... vệ tinh ông ta cũng có được chứ huống gì điện thoại. Chẳng qua ông ta viết thế là để không lưu lại chứng tích gì về trách nhiệm của mình trong những ngày Sài Gòn hấp hối, thế thôi".
Nhận được tấm thiệp, ngày 17/4, vợ Khiêm cho người mời tướng Timmes đến nhà dùng cơm tối. Khi Khiêm đi làm về và biết được chuyện này, Khiêm có vẻ không hài lòng. Nguyễn Tấn Phận kể tiếp: "Trong bữa ăn, từ phòng ăn gia đình gần nhà bếp, tôi để ý thấy bà Khiêm biểu lộ sự xúc động lúc nghe Timmes úp mở tiên đoán về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nhưng không hề òa lên khóc như Frank Snepp, một chuyên viên phân tích tình báo cao cấp của CIA Mỹ, đã kể trong cuốn "Những khoảng cách vừa phải - Decent Interval".
Vào thời gian này, tin đồn về việc Nguyễn Văn Thiệu từ chức đã lan rộng trong xã hội, và câu hỏi là bao giờ thì Thiệu sẽ từ chức? Những người quan tâm đến thời cuộc đều biết vào lúc ấy, Tòa đại sứ và Cơ quan Tình báo Mỹ đang tìm mọi cách để loại Nguyễn Văn Thiệu hầu dựng lên một khuôn mặt tuy cũ nhưng mới - mà theo họ thì ôn hòa hơn. Đó là ông Dương Văn Minh - người được Mỹ đánh giá là có chủ trương mềm dẻo. Phần nữa cũng do một số chính trị gia xôi thịt đang ngồi chơi xơi nước, nghe hơi nồi chõ rồi tung hỏa mù rằng "phía bên kia" chỉ đồng ý nói chuyện với ông Dương Văn Minh, nhằm kiếm một chân trong "chính phủ liên hiệp" - một sản phẩm quái đản của những trí tưởng tượng bệnh hoạn, đui mù!
Trưa ngày 21/4, Trần Thiện Khiêm được Nguyễn Văn Thiệu triệu tập vào dinh Độc Lập họp cùng với Trần Văn Hương. Buổi họp diễn ra trong gần một giờ đồng hồ. Mặc dù đi theo Trần Thiện Khiêm, nhưng Nguyễn Tấn Phận không được vào nên không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Mãi khi về tới nhà, Trần Thiện Khiêm bước xuống xe nhưng không đi thẳng vào nhà mà dừng lại chờ Phận đến gần, rồi nói với nét mặt vui vẻ: "Chiều nay nhớ mặc đồ đẹp, vào dinh Độc Lập nghe Tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức!".
Đó là vào khoảng gần 1h trưa ngày 21/4/1975. Phận nói tiếp: "Và tôi là người đầu tiên nhận được thông tin vô cùng quan trọng mà "cả thế giới" đang chờ đợi". Với những người làm báo, thông tin ấy có giá trị rất lớn trong sự thăng tiến nghề nghiệp truyền thông của họ nếu họ nắm được. Tuy nhiên sau này, trong các tài liệu, hồi ký của các tướng lĩnh, chính trị gia Việt, Mỹ, thì người đầu tiên biết tin Thiệu từ chức lại không phải là Phận, mà là Tòa đại sứ Mỹ!
Trong lúc Thiệu thông báo việc từ chức cho Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm thì tại Tòa đại sứ Mỹ, hệ thống điện tử đã ghi âm rõ những gì Thiệu nói. Chuyện nghe lén này về sau đã được các tướng tá quân đội Sài Gòn lưu vong đặt ra nhiều giả thiết, là người Mỹ bắt đầu nghe lén các buổi họp của Nguyễn Văn Thiệu từ lúc nào, và bằng cách nào!
Trở lại chuyện Nguyễn Văn Thiệu từ chức, có mặt tại phòng khánh tiết trong dinh Độc Lập, Nguyễn Tấn Phận nghe từ đầu đến cuối bài diễn văn của Thiệu trước một cử tọa rất đông đảo gồm các nhà lập pháp của hai viện quốc hội, cùng các quan chức trong chính phủ và các cơ quan truyền thông. Trong bài diễn văn, có lúc Thiệu rất cay cú: "... Người Mỹ viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn ít thì chúng tôi đánh ít. Cũng chẳng khác một người đưa cho tôi 1 đôla, mà đòi tôi phải vào ăn một bữa ăn thịnh soạn trong một nhà hàng sang trọng thì làm sao chúng tôi có thể làm được...". Ngay sau đó, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bàn giao chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương theo như hiến pháp đã quy định...
Từ bên kia quả địa cầu, nghe tin Thiệu từ chức, Ngoại trưởng Mỹ là Kissinger liền gửi cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn một điện văn, nội dung Kissinger ỵêu cầu ông đại sứ chuyển lời bày tỏ lòng "kính trọng" của Kissinger đối với Thiệu, và đề nghị muốn giúp Thiệu rời khỏi Việt Nam.
Sáng sớm hôm sau, ngày 22/4, tướng Charles Timmes vội vã đến tư dinh Trần Thiện Khiêm. Khiêm và Timmes đã trao đổi với nhau hơn nửa tiếng đồng hồ. Rồi ngay chiều hôm đó, Trần Thiện Khiêm vào dinh Độc Lập gặp Nguyễn Văn Thiệu.
Khó mà biết được Trần Thiện Khiêm đã nói gì với Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không loại trừ việc Timmes đề nghị Thiệu là nên ra đi khỏi nước. Sau này ở hải ngoại, Trần Thiện Khiêm kể lại rằng ngay sau khi Thiệu từ chức: "Cụ Hương muốn Thiệu và dượng Tư - tức Hoàng Đức Nhã - cố vấn và cũng là cháu Thiệu" đi đường biển qua Singapore. Tiết lộ này trùng hợp với việc Thủ tướng Lý Quang Diệu đã yêu cầu ông Hoàng Đức Nhã qua Singapore gặp ông để chuẩn bị việc lưu vong cho Thiệu.
Tuy đã từ chức, song Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn ở tại dinh Độc Lập, và còn áp đặt nhiều vấn đề khiến tân Tổng thống Trần Văn Hương gặp không ít khó khăn trong việc điều hành nội các. Theo Frank Sneep, việc từ chức của Nguyễn Văn Thiệu có phần rất lớn của Đại tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh cho rằng sự có mặt của Thiệu làm cản trở tiến trình hòa bình do ông chủ trương nên ông yêu cầu Timmes bằng mọi cách, thúc bách Thiệu sớm từ chức.
Khi biết được điều này, Đại sứ Martin rất lấy làm phấn khởi. Trước hết ông không muốn bị mang tai tiếng về việc ra đi của Thiệu, ông muốn cho dư luận tin rằng đó là sức ép từ các thế lực địa phương - chứ không phải từ phía Tòa đại sứ Mỹ. Hơn nữa, Trần Văn Hương cũng mời Đại sứ Martin vào dinh Độc Lập. Ông Hương nêu ra nhiều lý do và nhấn mạnh với Martin là nếu còn có sự hiện diện của Thiệu ở Sài Gòn thì chính quyền do ông lãnh đạo khó tiến hành các cuộc hòa đàm với phía bên kia. Hương yêu cầu nước Mỹ nhận Thiệu, và Martin cam kết là phía Mỹ sẵn sàng đồng ý cho Thiệu sang Mỹ.
Nay nhìn lại các hoạt động của tướng Timmes, đồng thời dựa vào các văn kiện của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ, có thể thấy rõ là đã có áp lực mạnh mẽ từ Washington buộc Thiệu phải đi khỏi nước theo kế hoạch của họ.
Văn kiện đầu tiên được gửi đi từ Washington, đúng 12 tiếng đồng hồ sau khi Thiệu từ chức: Buổi sáng ngày 22/4/1975, thừa lệnh Tổng thống Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi điện văn ủy quyền cho Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam cấp một số giấy tạm cư (parole documents) cho phái đoàn của Nguyễn Văn Thiệu, ngày ra đi là ngày 22/4, nghĩa là họ muốn Thiệu phải đi ngay trong ngày hôm ấy.
Tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, buổi sáng ngày 25/4, Nguyễn Tấn Phận thức dậy trễ vì đêm trước, Phận cùng Đại úy Mùi, sĩ quan tùy viên của Trần Thiện Khiêm nói chuyện rất khuya. Phận kể: "Thay quần áo xong, như thường lệ tôi đến phòng trực dành cho sĩ quan tùy viên. Đây là một căn phòng nhỏ, chỉ kê một chiếc bàn ngay cửa ra vào. Trung tá Đặng Văn Châu, Chánh văn phòng đã có mặt tại đó. Ông vừa được chỉ định thay thế Đại tá Nguyễn Trọng Hồng. Trung tá Châu cho biết, Trần Thiện Khiêm chỉ thị cho tôi, ra Ngân hàng Quốc gia đổi 3 triệu đồng Việt Nam lấy tiền đô la Mỹ". Muốn cho việc đổi tiền được mau lẹ, Trung tá Châu đã điện thoại đến Bộ Tài chính để liên hệ trước vì Phận mới về làm việc chỉ hơn ba tuần lễ, sợ nhiều người không biết mặt. Sau này, số đôla Mỹ ấy là để chuẩn bị cho việc ra đi của Khiêm.
Cũng cần nói thêm là hai hôm trước, Trần Thiện Khiêm đã ngầm ý cho Phận biết là "phải ra đi". Thông thường ăn trưa xong, Khiêm đi thẳng lên lầu nằm nghỉ. Trưa ngày 23/4, vừa ăn xong, Khiêm không lên lầu mà lại đi ra phía sau nhà. Phận đi theo sau. Lúc Khiêm vừa bước ra khỏi cửa thì bỗng có chiếc xe Mazda từ ngoài chạy vào. Tài xế thấy Khiêm, giật mình thắng xe lại. Liền sau đó vợ Phận bước xuống. Nhìn thấy Khiêm, vợ Phận khoanh tay chưa kịp chào thì Khiêm đã nạt lớn: "Sao không đi đi, còn ở đây làm gì?". Vợ Phận sợ quá, vội vàng leo lên xe. Trong khi xe đang quay đầu thì Khiêm lại la tiếp: "Đi liền đi, còn chờ gì nữa!".
Chiều 25/4, trong tư dinh Trần Thiện Khiêm, mọi người đều lăng xăng khác thường. Thiếu tá Đinh Sơn Thông là em vợ Khiêm và cũng là bí thư của Khiêm dặn Nguyễn Tấn Phận ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị tiếp khách. Tắm rửa, thay quần áo xong, Phận đi một vòng quanh nhà, kiểm soát việc canh gác của toán cận vệ rồi quay vào theo lối cửa sau. Ngang qua nhà bếp, những người đầu bếp dù đang bận rộn nấu nướng, nhưng khuôn mặt người nào cũng có vẻ ưu tư, lo lắng; chốc chốc người nọ nhìn người kia như thầm hỏi điều gì. Thấy Phận ăn mặc khác thường, họ lại càng lo lắng vì trong suốt thời gian làm việc tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Tấn Phận chỉ mặc quân phục.
Bước vào phòng khách, Nguyễn Tấn Phận thấy bàn ăn đặt tại đó. Rất ngạc nhiên, Phận nghĩ đáng lẽ ra phải dọn tiệc tại phòng ăn vì phòng ăn rộng rãi và khang trang hơn. Đây là dấu hiệu bất thường. Phận nhớ lại: "Đến phòng trực của sĩ quan tùy viên, tôi thấy thiếu tá Lưu lên ca, thay thế đại úy Mùi đã làm ngày hôm trước. Tôi tin Lưu biết rõ mọi chuyện vì anh là người có họ hàng với gia đình Khiêm".
Một lúc sau ông Trần Thiện Phương, anh ruột của Khiêm đến. Ông đi thẳng lên lầu gặp Khiêm trong vài phút rồi vội vã ra về. Sau đó thiếu tá Đinh Sơn Tuyền là em vợ Khiêm cũng đến với vẻ mặt trầm tư rồi sau vài phút gặp Khiêm, Tuyền cũng đi như chạy.
Xế chiều, có lệnh yêu cầu toán cận vệ của Khiêm trở về Phủ thủ tướng. Nhóm lính gác nhà cũng được trả về Liên đoàn An ninh. Kể từ lúc ấy, nhà riêng của Trần Thiện Khiêm coi như bỏ ngỏ. Phận bắt đầu lo lắng vì việc rút những ngườI lính gác đồng nghĩa với việc Trần Thiện Khiêm sẽ không còn ở lại đây lâu. Phận kể: "Thấy tôi đăm chiêu, trung tá Châu trấn an tôi bằng cách tiết lộ, là chiều nay ông Khiêm chính thức mời cựu Tổng thống Thiệu cùng vài nhân vật trong nội các và ngoại giao đoàn đến dự tiệc để ông chào giã biệt vì từ ngày từ chức thủ tướng đến nay, Khiêm chưa có dịp tổ chức". Nghe xong, Phận hiểu ngay đó chỉ là cách ngụy trang cho cuộc tháo chạy, nhưng ông ta vẫn thắc mắc rằng tại sao lại có Thiệu vì theo Phận, Thiệu chắc chắn phảI có kế hoạch ra đi riêng của mình.
Trời vừa chập choạng tối thì các món ăn cũng được dọn lên. Hôm đó có chả giò, nem nướng, bày ra trông rất đẹp mắt, nhưng lúc này lòng dạ trăm thứ ngổn ngang thì bụng nào thấy đói.
(Còn nữa...)