Dân Việt

Bình Dương bác tin cựu Bí thư Bến Cát vào tù vì "thanh trừng nội bộ"

Văn Dũng 11/11/2019 10:14 GMT+7
Trước phiên toà xét xử, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Bí thư thị xã Bến Cát và vợ đã bất ngờ kêu oan vì cho rằng bị ép tội bởi một cuộc "thanh trừng nội bộ". Liên quan đến sự việc này, Tỉnh ủy Bình Dương đã phản bác.

Vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Đây là vụ án có liên quan đến cựu tỉnh ủy viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh cùng với các bị cáo Nguyễn Huy Hùng - cựu giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nguyễn Quang Lộc - cựu Phó trưởng Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp BIDV (cùng Chi nhánh Tây Sài Gòn) và 4 bị cáo khác gồm: Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cựu cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Minh Tâm (cựu Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Bình Dương, bà Hồ Thị Hiệp cầm cố hàng chục ha đất tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để vay hàng chục tỷ đồng. Sau thấy bà Hiệp không thể trả nợ, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn đồng ý cho bà bán đất đã thế chấp để trả nợ ngân hàng. Việc bán đất này phải có sự giám sát của cán bộ ngân hàng.

Thông qua người môi giới, ông Khanh (lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) biết bà Hiệp muốn bán đất nên tới hỏi mua. Bà Hiệp cho biết số đất định bán đang thế chấp ở BIDV nên ông Khanh yêu cầu bà Hiệp phải xin được giấy ngân hàng xác nhận cho bà Hiệp bán đất thì ông Khanh mới mua. 

Bà Hiệp tới ngân hàng trình bày thì cán bộ ngân hàng đồng ý. Sau đó, 3 bên gồm ông Khanh, bà Hiệp và cán bộ ngân hàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất (hợp đồng 3 bên).

Từ năm 2012 đến năm 2015, ba bên đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV. 

Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp, gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước vì BIDV là ngân hàng thuộc nhà nước. 

Theo cơ quan tố tụng, hơn 18ha đất mà bà Hiệp thế chấp trị giá hơn 45 tỷ đồng nhưng sau khi bán cho ông Khanh ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ đồng, nhà nước lỗ hơn 35 tỷ đồng. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Trước thời điểm phiên toà diễn ra, bị cáo Khanh cùng vợ là bà Huỳnh Thị Phương Anh đã gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Bà Anh cho rằng, ông Khanh bị đồng nghiệp thanh trừng để “bịt miệng”. Cụ thể, vợ cựu Bí thư Bến Cát nói, sau khi ông Khanh bị bắt giam, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa bà đã vô tình phát hiện một tập hồ sơ liên quan đến việc kỷ luật và đơn cầu cứu gửi cơ quan Trung ương của ông Khanh.

Theo bà Anh, nhiệm kỳ 2016 - 2020, ông Trương Tấn Dũng không đủ phiếu tín nhiệm tiếp tục chức danh Chủ tịch UBND. Từ đây, nhiều cuộc thanh tra nhắm vào đầu tư công của Bến Cát, cho rằng lãnh đạo Bến Cát có một số sai sót. 

img

Cựu Bí thư thị xã Bến Cát cùng vợ đã làm đơn kêu cứu trước khi phiên toà diễn ra. Ảnh: V.D

Sau khi có kết luận một số cuộc thanh tra và ông Dũng không trúng cử (không đủ phiếu tín nhiệm) Chủ tịch UBND Bến Cát nhiệm kỳ 2016 - 2020, điều này bị cho là trái với Nghị quyết số 211-NQ/TU đã phê duyệt nên cả ông Dũng và ông Khanh đều bị kỷ luật khiển trách.

Ngày 1/12/2016, ông Khanh được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhưng chỉ “ngồi chơi xơi nước”, không được phân công việc cụ thể. Còn ông Dũng dù bị kỷ luật như ông Khanh, nhưng được giữ lại làm Phó Bí thư Bến Cát rồi được luân chuyển về làm Trưởng phòng tại Công an tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông Hòa (con bà Hiệp) có đơn tố cáo ông Khanh. Theo bà Anh, điều này rất bất thường bởi ông Hòa, bà Hiệp từ lâu không còn cư ngụ ở địa phương.

Mặt khác, trong các đơn cầu cứu gửi đến cơ quan Trung ương trước khi bị bắt, ông Khanh cho rằng mình bị “trù dập” và “sự việc có dấu hiệu bè phái”. Trước đó, khi ông Khanh bị kỷ luật và không phân công nhiệm vụ nên đã bất bình, làm đơn tố giác những vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Dương như sai phạm về quản lý, sử dụng đất tại nhiều địa phương khác, trong đó nhiều nhất là thị xã Tân Uyên. Sau đó, ông Khanh bị điều tra và khởi tố bắt tạm giam.

Trước thông tin này, Tỉnh ủy Bình Dương đã có buổi cung cấp thông tin đến báo chí. Cụ thể, theo ông Bùi Hữu Toàn, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại xã An Tây (thị xã Bến Cát, Bình Dương), tại thời điểm này không thể khẳng định ông Nguyễn Hồng Khanh có tội hay không khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. 

"Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định vụ án này được các cơ quan tố tụng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Cơ quan tòa án có trách nhiệm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến vụ án trước khi tuyên án" - ông Toàn nói.

img

Tỉnh uỷ Bình Dương đã tổ chức buổi họp thông tin liên quan đến vụ việc của cựu Bí thư thị xã Bến Cát bị bắt giữ và đưa ra xét xử. Ảnh: V.D

Về việc có hay không việc phân biệt đối xử giữa ông Khanh và ông Trương Tấn Dũng (nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) nhiệm kỳ 2011-2016, ông Toàn cho hay, ông Khanh có vi phạm và đã được các cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Tháng 12/2016, ông Khanh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và được phân công làm tổ trưởng một tổ giúp việc. 

"Sau đó, các cơ quan chức năng đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo và đã thụ lý, giải quyết theo quy định của Đảng và Nhà nước. Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Khanh" - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương thông tin.

Ông Trương Tấn Dũng trước đây từng công tác trong ngành công an. Năm 2015, khi được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, ông Dũng đã đề đạt nguyện vọng là sẽ tiếp tục quay lại ngành công an khi hết nhiệm kỳ.

Đầu năm 2017, ông Trương Tấn Dũng tiếp tục có nguyện vọng xin được trở lại cống hiến, công tác trong ngành công an. Sau khi được Bộ Công an đồng ý tiếp nhận, ông Dũng về công tác tại Công an tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy đã cho ông Trương Tấn Dũng thôi giữ chức vụ Phó Bí thư Thị ủy Bến Cát để nhận nhiệm vụ mới, kể từ tháng 2-2017.

Về thông tin vợ ông Khanh có đơn tố cáo cho rằng "do ông Khanh tố cáo lãnh đạo tỉnh nên bị xử lý hình sự", Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương khẳng định, đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh chưa nhận được bất cứ đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của ông Khanh và người thân ông Khanh, cũng chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan chức năng trung ương hoặc cơ quan báo chí chuyển đến.

"Đây là vụ việc hình sự, được cơ quan tố tụng thực hiện theo trình tự thủ tục của pháp luật quy định nên không ai có thể can thiệp hoặc lợi dụng vụ án để trù dập cán bộ" - ông Toàn khẳng định.

Trước đó, vào ngày 4/11, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử hình sự vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” đối với ông Nguyễn Hồng Khanh cùng nhiều cán bộ địa chính thuộc thị xã Bến Cát và các cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu ủy thác tư pháp từ Mỹ, nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt cũng như hợp thức hóa lãnh sự, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.