Bốn bản Hiến pháp đã chứng minh thực tế này. Hiến pháp nước nào cũng ra đời ngay sau thắng lợi của cách mạng thay đổi chế độ; có một số nước đã tuyên cáo chế độ mới bằng một tuyên ngôn chính trị lịch sử, đó chính là nền tảng chính trị của Hiến pháp nước đó.
Sự hiếm hoi này không phải ngẫu nhiên lại xuất hiện ở nước ta. Nền dân chủ lâu đời nhất đánh dấu sự tiến bộ xã hội ai cũng biết diến ra ở châu Âu do nước Anh và nước Pháp là đại diện. Ở châu Mỹ đại diện là Hoa Kỳ. Nhưng nền dân chủ được khẳng định gắn các hiến văn và tuyên ngôn chính trị bất hủ chỉ thấy có ở Hoa Kỳ, sau đó ít lâu là nước Pháp. Nước thứ ba là Việt Nam...
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển |
Có khá nhiều ý kiến cho rằng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chế định Chủ tịch nước nên theo hướng tăng quyền hạn cho chức vụ này. Theo tôi cần làm rõ những quan hệ liên quan đến chức vụ Chủ tịch nước như: Chúng ta xây dựng bản Hiến pháp theo thể chế đại nghị hay tổng thống; hành chính hai đầu hay một đầu? Rõ ràng Nhà nước của ta tổ chức theo chế độ nghị viện, theo đó có các đặc điểm:
Các chức vụ đều do nghị viện lựa chọn. Nguyên thủ quốc gia được hình thành theo thể thức dân chủ đại diện (do Quốc hội bầu ra), nó khác rất xa với dân chủ trực tiếp. Nền hành chính một đầu do Chính phủ đảm nhiệm. Nó khác với hành chính 2 đầu, như trong Hiến pháp 1946.
Ở các nước theo chế độ nghị viện, tính chất tượng trưng, biểu tượng Nhà nước là hình ảnh của nguyên thủ quốc gia. Ví dụ như Tổng thống các nước Ấn độ; Đức, Israel, Vua nước Anh, Thái, Tây Ban Nha… Đây là đặc điểm của thể chế, không nên đặt ra nó quan trọng hay không.
Vì vậy tôi đề nghị nếu muốn tăng quyền Chủ tịch nước, Đảng cần lựa chọn cho được một người đủ tài đức đưa vào danh sách bầu cử để nhân dân bầu Chủ tịch nước cùng với các ứng viên khác và người đó sẽ được Đảng bầu làm Tổng Bí thư. Việc bầu ai là Tổng Bí thư không liên quan gì đến Hiến pháp mà Đảng chỉ có thể lựa chọn đúng. Đây chính là điều mà chúng ta thường nói “ý Đảng, lòng dân”.
Theo tôi trước hết nên nghiên cứu cẩn thận bản Hiến pháp năm 1946, sau đó tham khảo cấu trúc chức vụ này ở Trung Quốc, ở đó nguyên thủ quốc gia thường cũng là người lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Và như thế rất thuận lợi tạo cơ chế hành chính 2 đầu.
Một góp ý khác: Những gì chúng ta muốn hướng tới có hai cách thể hiện. Thứ nhất là trong văn kiện của Đảng cầm quyền. Thứ hai là trong Hiến pháp. Nhưng hai cách viết không thể sao chụp của nhau được, vì mỗi loại văn bản có chức năng hoàn toàn khác nhau. Muốn có Nhà nước pháp quyền, phải thiết kế các quy định trong Hiến pháp sao cho pháp luật là tối thượng, quan hệ điều hành kiểm soát lẫn nhau. Đó là sự phân quyền do nhân dân giao phó, theo chức năng của bộ máy nhà nước để không “giẫm chân lên nhau”.
Vì vậy tôi kiến nghị Điều 2 chỉ cần một câu trong đó: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Không cần phải “khoe” đây là Nhà nước pháp quyền, rồi “quyền lực Nhà nước là thống nhất”. Quyền lực thuộc về nhân dân thì còn phân cho ai nữa? Viết quá chi tiết sẽ giẫm đạp lên nhau về logic. Cũng cần nói thêm, trong lời nói đầu (có thể không cần ghi rõ ra là “Lời nói đầu”) nếu ghi được câu đại ý: Nhân dân Việt Nam đồng lòng xây dựng bản Hiến pháp này” thì đó là minh chứng của dân chủ: Quyền lực thuộc về nhân dân.
Với phân tích trên cần đưa Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để trưng cầu ý dân (hay phúc quyết).
Chương VII viết về Chính phủ quá dài dòng. Viết như thế còn gì để xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ? Theo tôi chỉ quy định những vấn đề căn cốt nhất để thể hiện Chính phủ là cơ quan nhà nước thực thi quyền hành pháp. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu.
Những nội dung còn lại như có Phó Thủ tướng hay không, có bao nhiêu bộ trong Chính phủ, Hiến pháp chỉ cần quy định: Một đạo luật sẽ quy định về tổ chức, hoạt động của Chính phủ. Ghi như vậy có ý rằng: Nhân dân trao quyền hành pháp cho Chính phủ. Quốc hội sẽ xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ. Đó chính là phân quyền. Người phân quyền là nhân dân!
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia