Dân Việt

Tìm được bản án tù bỏ quên 36 năm

Phương Nam 11/11/2019 10:56 GMT+7
Sau khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhiều lần trả lời không thụ lý vụ án, TAND tỉnh Bình Thuận đã có công văn và bản án cuối cùng cũng được tìm thấy.

Liên quan đến bài viết "Bản án tù bị toà bỏ quên 36 năm" mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ngày 26/8, mới đây ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, đã liên lạc và trực tiếp làm việc với chúng tôi về vụ án này.

Tại buổi làm việc, ông Hoan cho biết ngay sau khi sự việc được Pháp Luật TP.HCM phản ánh, ông đã ký quyết định thành lập tổ xác minh làm rõ. Sau gần hai tháng phối hợp, ngày 25/9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có công văn trả lời cho TAND tỉnh Bình Thuận kèm theo bản án phúc thẩm.

img

Người phụ nữ gần 80 tuổi hàng chục năm qua luôn đau đáu về bản án kết tội mình. Ảnh: PN.

Theo đó, ngày 26/12/1984, TAND tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Lương Thị Phương cùng 16 người khác của Trạm thủy sản Hàm Tân. Bà Phương bị truy tố ba tội: Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và vi phạm chế độ tem phiếu dùng vào việc phân phối tài sản xã hội chủ nghĩa.

Bà Phương bị tuyên phạt 36 tháng tù, hai bị cáo khác cũng bị phạt tù và 13 bị cáo còn lại được hưởng án treo.

Ngày 19/9/1985, TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, cho ba bị cáo trong đó có bà Phương được hưởng án treo. Hiện không có bản án hay quyết định nào hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm nên bản án trên có hiệu lực pháp luật.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Phương (79 tuổi, ngụ TP Phan Thiết) khẳng định bà không hề biết có phiên tòa phúc thẩm trên. Bà là bị cáo kháng cáo nhưng khi xét xử không được triệu tập. Thậm chí ngay cả bản án phúc thẩm bà cũng không được nhận. Cụ thể là sau nhiều lần bà kêu oan, tháng 8/2011, TAND Tối cao tại Đà Nẵng có văn bản trả lời rằng không thụ lý, xét xử vụ án trên.

Theo báo cáo của TAND tỉnh Bình Thuận, hiện không có hồ sơ thi hành án (THA) hình sự trong vụ án này, do thời gian quá lâu không tìm thấy trong kho lưu trữ.

TAND tỉnh đã có văn bản yêu cầu TAND thị xã La Gi truy tìm tài liệu liên quan đến việc THA treo hoặc THA bồi thường của 16 bị cáo và những người liên quan. Tuy nhiên, TAND thị xã La Gi không tìm thấy tài liệu liên quan đến các bị cáo trong vụ án này.

Theo ông Hoan, sở dĩ ông tin rằng bản án nói trên có xét xử phúc thẩm là do truy lục được bản án sơ thẩm có đóng dấu hàng chữ “Án có kháng cáo”. Riêng việc vì sao khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm không triệu tập bị cáo hoặc có gửi hay không bản án về cho bị cáo và cơ quan THA thì không thể biết và giải thích được vì thời gian đã quá lâu.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 8/1983, khi đang làm Phó trạm Thủy sản Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, bà Phương bị bắt giam. Lúc đó chồng bà là ông Phan Thanh Hạnh đang là Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Tân.

Ngay sau đó, Huyện ủy Hàm Tân đã cử một đoàn cán bộ xuống địa phương để họp dân, phát động quần chúng tố cáo gia đình bà. Thế nhưng không một ai biết hoặc có ý kiến gì. Chính bà Phương cũng bất ngờ bởi những gì bà bị quy kết.

Sau khi bị giam 127 ngày, bà Phương bất ngờ được thả về. Ngày 26/12/1984, TAND tỉnh Thuận Hải mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bà cùng 16 người khác của Trạm Thủy sản Hàm Tân. Đáng chú ý, hơn 6 tháng sau khi tuyên án, tòa án này mới ban hành bản án.

Theo bản án, từ đầu năm 1983, lấy danh nghĩa công đoàn hợp đồng gia công phơi cá ngoài giờ cho Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc Phan Thiết, bà Phương đã chỉ đạo nhân viên ướp cá nhiều muối, ngâm lâu để cá tăng trọng lượng. Qua đó các bị cáo chiếm đoạt hơn 135.000 đồng chia nhau.

Bị tòa tuyên phạt 36 tháng tù, bà Phương kháng cáo nhưng chờ mãi không thấy xử phúc thẩm hoặc bị bắt THA phạt tù. Số phận pháp lý của bà bị treo lơ lửng suốt 36 năm qua.

“Tôi sẽ tiếp tục hành trình kêu oan của mình. Sinh mệnh chính trị của một con người, sinh mệnh của cả gia đình có truyền thống cống hiến không thể bị quy kết cẩu thả vì những cách làm không theo một quy định nào như thế” - bà Phương nói trong nước mắt.