Dân Việt

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa: Kỳ vọng và... băn khoăn

02/03/2013 07:59 GMT+7
(Dân Việt) - “Các bạn cho biết vẫn có thể đi công tác tình nguyện với thời gian lâu hơn, nhưng băn khoăn không biết khi trở về, liệu vị trí công tác có được đảm bảo như cam kết không”- Nghĩa nói.

Ngày 27.2, Bộ Y tế đã khởi động dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, xa. 10 năm trước, T.Ư Đoàn từng thực hiện mô hình này mà không thành công. Vậy cách làm của Bộ Y tế như thế nào để y tế vùng sâu, xa được bổ sung nguồn nhân lực?

Người nhiều, bác sĩ thiếu

Bà Trần Thị Mai Oanh và cộng sự (Viện Chiến lược và Chính sách y tế) đã tiến hành nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút và duy trì cán bộ y tế tuyến cơ sở tại một số tỉnh miền núi” tại 4 tỉnh Điện Biên, Bắc Giang, Bình Định và Lâm Đồng. Kết quả cho thấy, từ năm 2007-2011, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tại các tỉnh này đã có xu hướng tăng từ 4,9 lên 5,7. Tuy nhiên, so với tỷ lệ chung của cả nước là 7,2 (số liệu năm 2010) thì con số này còn rất thấp.

Điều đáng nói, tỷ lệ bác sĩ công tác tại tuyến tỉnh cao gấp đôi so với tuyến huyện, cho dù số giường bệnh gần tương đương. Cụ thể, ở Điện Biên, 63,5% bác sĩ làm việc tuyến tỉnh với 980 giường bệnh, trong khi tuyến huyện có 750 giường nhưng chỉ có 31,4% bác sĩ…

Đáng lưu ý, biến động nhân lực tại tuyến huyện nhiều hơn tuyến xã, tập trung chủ yếu ở nhóm bác sĩ chính quy và dược sĩ đại học. Trong 5 năm, số nghỉ việc (thuyên chuyển) luôn bằng 50% số nhân lực mới tuyến cả ở khối điều trị và dự phòng.

img
Các bác sĩ trẻ Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện khoảng 17% bác sĩ của cả nước đang phục vụ cho 73% dân số ở vùng nông thôn. Còn theo nguồn của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), trong 62 huyện nghèo của cả nước chỉ có 34 huyện thành lập được bệnh viện, tuy nhiên cả 34 bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa II. Còn lại, các huyện không đủ nhân lực, cơ sở vật chất để thành lập bệnh viện nên chỉ có trung tâm y tế, trong đó 8 trung tâm chỉ có 3 bác sĩ/trung tâm.

Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết, Bệnh viện huyện Mường Nhé mới có 16 bác sĩ, trong đó đa số là bác sĩ đa khoa, chỉ có duy nhất 1 bác sĩ ngoại và 1 bác sĩ sản. Cơ sở vật chất của bệnh viện huyện tương đối đầy đủ, nhưng do thiếu bác sĩ nên năm 2012, toàn huyện mới chỉ thực hiện được 10 ca mổ đẻ, còn lại đẻ thường hoặc chuyển viện. Hiện, huyện đang rất mong muốn có ít nhất 6 bác sĩ tình nguyện chuyên ngành ngoại, sản, hồi sức cấp cứu và y tế dự phòng.

Kỳ vọng và... băn khoăn

Nguyễn Đức Nghĩa - Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay đã có hơn 50 sinh viên trong trường đăng ký tham gia dự án thí điểm bác sĩ tình nguyện. Đa số đều ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, xuất thân gia đình khá giả nhưng vẫn nhiệt tình xung phong về nơi vùng sâu, vùng xa để cống hiến sức trẻ. “Các bạn cho biết vẫn có thể đi công tác tình nguyện với thời gian lâu hơn, nhưng băn khoăn không biết khi trở về, liệu vị trí công tác có được đảm bảo như cam kết không”- Nghĩa nói.

“Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút và duy trì cán bộ ở khu vực miền núi. Yếu tố thu nhập, phụ cấp đãi ngộ chưa thỏa đáng, điều kiện làm việc khó khăn, môi trường làm việc căng thẳng, ít được cơ hội đào tạo. Có gần 79% bác sĩ được hỏi sẽ làm việc lâu dài tại tuyến huyện/xã nếu lương và phụ cấp thỏa đáng”.

Sinh viên Trần Thị Hòa – tổ 25 Y6G khoa Y học cổ truyền (quê ở Quế Võ, Bắc Ninh) đăng ký tình nguyện về Bảo Lộc (Cao Bằng). Hòa cho biết, đa số các bạn đều rất thích có cơ hội cống hiến sức trẻ cho đất nước.

Tuy nhiên, mọi người đều cân nhắc đến điều kiện sống vất vả, lo sợ thân gái dặm trường tại một nơi xa lạ, mất cơ hội học tập bài bản để nâng cao trình độ, xa nhà, thiếu thốn tình cảm hoặc “mất người yêu”, khó lấy chồng. Hòa cho biết, em chỉ nghĩ mình còn trẻ, hãy đi và cống hiến. “Đây là vùng đất em chưa từng biết đến, nhưng em đủ tự tin mình có năng lực và lòng nhiệt tình để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – Hòa cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng khẳng định, để thu hút y bác sĩ trẻ về vùng sâu, xa thì phải đạt được tính hài hòa về lợi ích. Một trong những lợi ích mà các em được hưởng là được tuyển vào các bệnh viện T.Ư, được đào tạo 20 tháng sau đại học để có trình độ đúng chuyên khoa mà nơi các em đăng ký về công tác cần, sau đó, quay lại cơ sở đào tạo ban đầu để ôn thi chứng chỉ bác sĩ chuyên khoa I. Tất cả chi phí đào tạo các em đều được miễn, đồng thời, các em được hưởng lương ngay từ khi đào tạo, được hưởng nhiều chế độ phụ cấp ưu đãi cho cán bộ vùng sâu, vùng xa…

Cách đây 10 năm, T.Ư Đoàn cũng đã có dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện lên vùng cao, tuy nhiên, do thiếu các chính sách ưu đãi về lương bổng, việc làm và đào tạo nên không thành công. Vì thế, dự án lần này chú trọng vào các ưu đãi để bác sĩ tình nguyện yên tâm công tác. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 150 sinh viên năm cuối Đại học Y và bác sĩ mới ra trường đăng ký tham gia tình nguyện.