Trẻ chịu đủ loại bạo lực
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển xã hội cho biết, gần đây các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều này đã tác động xấu tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Hoạt động vẽ tranh phòng chống bạo lực gia đình của học sinh tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.L
"Tôi cho rằng, giáo dục gia đình là điều quan trọng nhất, bố mẹ cần phải làm gương không gây BLGĐ. Muốn vậy cha mẹ phải có kỹ năng và kiến thức, muốn có kỹ năng và kiến thức cha mẹ cần phải được giáo dục để không gây bạo lực, biết cách nuôi dạy con khoa học”. Ông Nguyễn Trọng An |
BLGĐ với trẻ em có thể là bạo lực trực tiếp (các em bị đánh đập, chửi bới, miệt thị), có khi trẻ lại bị bạo lực gián tiếp kiểu cha mẹ chửi bới, đánh đập nhau để trẻ nhìn thấy. Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhận định: “Các nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực thì lớn lên có những hành vi bạo lực hoặc chấp nhận bạo lực. Người lớn không tự kiềm chế, có hành vi bạo lực trước mặt cháu nhỏ là hành vi rất xấu”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trong giáo dục, người lớn là tấm gương cho trẻ noi theo. Bố mẹ cư xử như thế nào dễ dàng ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con trẻ như vậy. Theo chuyên gia này, việc xuất hiện BLGĐ hay hành vi ứng xử không chuẩn mực của người thân ngoài xã hội, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ mang tính cách, hành vi này đến trường, lớp và giao tiếp trong cuộc sống.
Lỗ hổng trong xử lý
Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục phó Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH), tình trạng trẻ em liên tục bị xâm hại, bạo lực cả thể chất, tinh thần... chính là hệ quả của việc chúng ta đang xem nhẹ việc giáo dục gia đình.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại đã cao hơn cả năm 2018. “Nguyên nhân là chúng ta coi nhẹ vấn đề giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình là quan trọng nhất, các bậc cha mẹ cần phải có kỹ năng để bảo vệ con mình, thế nhưng trên thực tế nhiều người không có kỹ năng, đã vô tình hoặc cố ý gây bạo lực lên chính con, em mình” - ông An nhận định.
Ông An cho rằng, BLGĐ sẽ tác động mạnh tới sự phát triển của trẻ em. Trước hết là tác động về thể chất, sau đó là tác động về tinh thần. Tuy nhiên, những tác động về tinh thần mới là tác động đáng lo ngại nhất.
“Hiện tại, chúng ta đã căn cứ cụ thể để quy định mức xử phạt với hành vi bạo lực thể chất. Ví dụ, khi xảy ra bạo lực thể chất, cơ quan chức năng có thể cho giám định thương tật, nhưng với bạo lực tinh thần hiện chưa có thang bảng nào đánh giá thiệt hại về vấn đề này. Các văn bản luật, dưới luật đều chưa có quy định về việc xử lý, trừng phạt với những trường hợp gây bạo lực tinh thần cho trẻ em” - ông An phân tích.
Từ những hạn chế đó, ông An kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có nghiên cứu đánh giá tác động của BLGĐ tới sự hình thành nhân cách, sức khỏe tâm thần của trẻ em để có biện pháp xử lý.