Tôi và nhà thơ Lê Văn Ngăn cùng những bạn bè "độ" tập thể mấy vần cho vui trong lúc lai rai nhậu giữa đêm khuya: "Làm nhà sư đừng nghĩ đến thức ăn - Làm nhà văn đừng nghĩ đến giải thưởng - Làm thủ trưởng đừng nghĩ đến... bồ nhí".
Tếu táo nhìn qua nhìn lại quanh mâm, trong mỗi người đều có một phần ba "nhà sư", một phần ba "nhà văn" và một phần ba "thủ trưởng", phần nào nhiều phần nào ít tuỳ nơi tuỳ lúc. Nơi gặp gỡ, giao lưu rất phong phú- hàng quán, chùa, cơ quan, nhà chiến hữu và lúc nhậu rất đa dạng - lúc có vợ hay lúc... vắng vợ.
Các nhà văn, nhà thơ trên đỉnh núi Đá Bia. |
Cao hứng, chúng tôi điểm lại hồi xưa, những nhà thơ Xứ Nẫu (Bình Định, Phú Yên) ăn gì? Dù vị ruộng đồng của Nguyễn Khuê: "Tôm càng đập giập kho cùng cải - Cá chạch dần sơ nấu cúc ngò" hay mùi giỗ quải của Xuân Diệu: "Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy" hay hương sông nước của Yến Lan: "Than Cù Lâm nướng cá sông Kôn"... đều le lói chút hồn xưa thôn quê Bình Định.
Nhóm bạn bè của chúng tôi rất vinh dự được "nằm gai nếm mật" với cỏ xanh cát trắng rừng biển suối sông Xứ Nẫu, đêm khuya và những đêm khuya nơi chân trời góc biển nghe côn trùng hát quanh ly. Lạ kỳ, chúng tôi có chung cái sở thích ăn những món dân dã mùa nào thức ấy như rau ranh cải rừng chấm mắm ruột, bánh tráng trộn xác đậu rau sống mắm nêm, cơm nguội chan tương đỗ mèo, hoặc rau lang mắm cua đồng...
Có hồi, chúng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Nguyễn Trọng Tín nhâm nhi rượu Bàu Đa - cá sông Kôn: "Quỷ thần lổm ngổm trong chai - Ngao du tôn giáo, lai rai tín đồ". Có lúc, ngồi giữa vườn nhà nhà thơ Ngô Liêm Khoan, vừa uống vừa quờ tay hái ớt hái cà nhai rau ráu tại chỗ, ngước mặt thấy bí bầu lủng lẳng, xoẹt một cái có món trái hầm quả luộc, tươi roi rói và nóng hôi hổi.
Có lúc, đi cùng nhà văn Trần Nhã Thụy và nhà thơ Trần Hoàng Nhân, ăn bánh hỏi lá hẹ, buồn buồn hái lá cóc non ngoài cửa sổ giặm vào, trời ơi thơm chua tận đọt. Xa đô thị, trốn vào thiên nhiên, kiêu hãnh kiểu "Chim muông cây cỏ sững sơ - Ghềnh cao thác rộng nhà thơ hoá rồng".
Nhớ đời, cuộc đưa "Giáo sư bụi" Trần Quốc Vượng ra Cù Lao Xanh, ngắm ngọn hải đăng, ăn cá cơm nấu chua lá giang và dứa (Xứ Nẫu gọi là trái thơm); người dân chài một ly, Lê Văn Ngăn một ly, tôi một ly, Giáo sư một ly, rồi nghe Giáo sư hát về dòng sông Đa-nuýp, lúc ra về vẫn ngồi trên mạn thuyền sóng sánh uống rượu và ngật ngưỡng hát...
Hôm rằm tháng Giêng năm rồi trèo núi Đá Bia Phú Yên. Phía nam đèo Cả giáp Biển Đông, nơi các tàu nước ngoài nhìn vào lục địa gọi "Ngón tay của Chúa"; có các nhà thơ Đào Tấn Trực, Đào Đức Tuấn, Đào Cát Hùng, Lê Văn Ngăn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hoàng Tuấn, vừa đi vừa khát bèn... uống thơ: "Miền Trung ngày rằm tháng Giêng- Làng thơ có bảy thằng điên lên rừng - Sáu niềm vui với một Mừng - Hai Lê hai Tuấn tưng tưng Ba Đào"...
Tếu táo vậy, nhưng chúng tôi quên mọi mệt nhọc, vượt 3 tiếng rưỡi gai góc suối khe, đá cao vực thẳm trèo lên đỉnh 706m lúc chính ngọ để tìm xem còn bút tích nào của Vua Lê Thánh Tông năm 1471 trên cột mốc chủ quyền này như huyền sử lưu truyền? Chúng tôi thắp hương dưới chân đá, rồi ngả nghiêng giữa trời mây nghe gió đại dương tung bờm trong lồng ngực, nói chuyện về bản đồ Đại Việt. Trưa không ăn gì nhưng nói về biển đảo là... hết đói!
Lại có hồi, bạn bè ai cũng đẫm mùi tục lụy, kéo nhau trèo núi về chùa, chiều tắm suối, tối nhậu rau rừng. Bữa rau rừng nhớ đời là ở Thiên Bửu Thạch Tự. Rau dại. Rừng hoang. Người cởi hết xiêm áo của những vai diễn trong đời. Chỉ còn mỗi ánh trăng nguyên thủy.
Hàn Mặc Tử thảng thốt "Trời hỡi làm sao cho khỏi đói - Gió trăng có sẵn làm sao ăn". Chúng tôi đã tận hưởng những giọt từ bi từ ánh trăng man dại ở nơi sơn cùng thuỷ tận, ở đó có thức ăn thanh khiết của thiên nhiên không chỉ được nhai bằng răng. Ở đó có mùi vị của đất đai không chỉ được hít thở bằng mũi. Ở đó có những giọt rượu của trời không chỉ được nếm bằng lưỡi. Cùng những lời kinh không chỉ được thẩm thấu bằng tai...
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng