Dân Việt

Sửa Luật Xây dựng: Giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 xuống 20 ngày

Trần Kháng 12/11/2019 10:23 GMT+7
Một nội dung đáng chú ý trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đang được Bộ Xây dựng đề xuất là giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, theo đó, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

img

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trình dự án luật trước Quốc hội.

Trong đó, dự luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp GPXD (tại các điều 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 dự thảo luật) theo hướng: rà soát đối tượng công trình được miễn GPXD cho phù hợp; mở rộng đối tượng công trình được cấp GPXD theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp GPXD. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp GPXD công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp GPXD; bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng; sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình; thống nhất quy định về cấp GPXD công trình quảng cáo.

Cụ thể, tại Điều 89 dự luật quy định về tám trường hợp không cần GPXD, trong đó có các trường hợp như: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 07 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.

Thủ tục cấp phép xây dựng, theo đó, được quy định đơn giản. Bộ Xây dựng đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

img

Quy định số ngày cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

Ở hướng ngược lại, cùng với việc cải cách thủ tục, đơn giản hóa điều kiện, dự luật vẫn hướng tới yêu cầu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, thống nhất quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, chống tham nhũng, thất thoát…

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin, qua rà soát hơn 4400 dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai hiện nay cho thấy một số bất cập lớn là không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án.

Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tập trung vào 2 bước thẩm định dự án và bàn giao công trình nhằm khắc phục các bất cập đã nêu song không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể.

Thẩm tra về nội dung dự luật sửa đổi trên này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Phan Xuân Dũng cho hay, hiện nay quy trình cấp GPXD vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài. Bên cạnh đó còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép, được cấp GPXD nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.

“Vì vậy, UBKHCN&MT tán thành với dự thảo luật này. Cần quy định việc miễn GPXD đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Theo dự luật, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn GPXD để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý. Đồng thời rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai”, ông Dũng nói.