Dân Việt

Ngân hàng đua nhau “rót vốn” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Quốc Hải 12/11/2019 15:34 GMT+7
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) trong những tháng cuối năm tăng mạnh, song không phải DN nào cũng dồi dào tài chính, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, sự trợ lực của ngân hàng sẽ là “đòn bẩy” giúp các DN gặt hái thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm…

Hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tích cực giảm lãi suất vay, tăng giải ngân vốn tín dụng để cùng doanh nghiệp về đích đúng kế hoạch năm.

img

Các NHTM đang tung ra nhiều gói ưu đãi lãi suất dành cho các DN vừa và nhỏ dịp cuối nắm (Ảnh: IT)

“Đòn bẩy” để DN về đích đúng hạn

Trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng đã đưa ra những giải pháp tài chính phù hợp với nhiều ưu đãi để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các gói vay ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8 vừa qua, lãi suất cho vay tại một số ngân hàng đồng loạt được điều chỉnh giảm 0,5%/năm so với trước.  Cụ thể, tại BIDV, từ 1/8 đến 31/12/2019, nhà băng này giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thuộc các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất này giảm 0,5%/năm so với tháng 7 và thấp hơn 1%/năm so với trần quy định của NHNN.

Tương tự, Vietinbank cũng có chương trình giảm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn 0,5%/năm đối với các nhu cầu vốn của khách hàng tốt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, Vietcombank cũng thông báo áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1 %/năm so với mức quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ và DN khởi nghiệp từ 1/8 đến 31/12/2019.

Ở nhóm các ngân hàng TMCP, hàng loạt các gói vay ưu đãi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cũng được “bung “ ra.

Tại OCB, nhà băng này đang triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và chuỗi cung ứng, với mức lãi suất dao động 7%/năm, kỳ hạn lên đến 3 năm. Tương tự, Eximbank cũng đang dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,99%/năm cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chương trình ưu đãi này dành cho các doanh nghiệp SME có nhu cầu vay vốn với kỳ hạn lên đến 6 tháng.

Từ nay đến 31/12/2019, ACB triển khai chương trình cho vay hạn mức 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân (khách hàng mới và hiện hữu) vay bổ sung vốn lưu động, với lãi suất vay từ 7,5%/năm. Trước đó, vào cuối tháng 7/2019, ACB đã đưa ra gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5%/năm.

Một số nhà băng khác thì có chương trình cam kết giảm lãi suất đối với DN vừa và nhỏ. Chẳng hạn, VPBank cho biết sẽ giảm 1% lãi suất vay tín chấp và 0,5% lãi suất với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Nam A Bank, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng này hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cấp vốn ưu đãi lãi vay từ 6,5%/năm với các khoản vay dài hạn (36-120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh cũng được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.

Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở một số nước trong khối ASEAN tỷ lệ này cao hơn nhiều, điển hình tại Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%.

Trong khi đó, ABBank cũng đang triển khai chương trình tín dụng với hạn mức 2.500 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với yêu cầu là doanh thu năm gần nhất đạt tối đa 200 tỷ đồng. Lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/ năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/ năm.

Còn tại HDBank, nhà băng này dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ từ nay đến 31/12/2019. Lãi suất vay giảm từ 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường. Chương trình áp dụng cho tất cả khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên với tài sản đảm bảo từ bất động sản; ngoại trừ vay cầm đồ, góp vốn, tiêu dùng...

Không chỉ giúp DN vừa và nhỏ dễ tiếp cận vốn vào mùa cao điểm cuối năm, một số ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp tài chính để giúp khách hàng giảm gánh nặng về phí. Chẳng hạn như khách hàng có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ được miễn phí 100% giao dịch; miễn phí chuyển tiền trực tuyến nội bộ và liên ngân hàng; miễn phí thường niên internet banking năm đầu tiên. Ngoài ra, khách hàng không cần tốn thời gian đến tận quầy giao dịch và có thể chuyển tiền trực tuyến mọi lúc, mọi nơi…

Vẫn khó tiếp cận?

Tại diễn đàn kinh tế TP.HCM 2019 diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách đều phải nhìn nhận, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay dù chiếm đến 98% trên tổng số doanh nghiệp của cả nước, vẫn có hơn 2/3 số doanh nghiệp này chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Lý giải điều này, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, phổ biến đều là tình trạng thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không mạnh, yếu về thủ tục hành chính... Do đó khó đáp ứng yêu cầu hồ sơ vay của ngân hàng.

“Dù các ngân hàng sẵn sàng dành ra hàng chục nghìn tỷ đồng để cho các DN vừa và nhỏ vay, nhưng nếu không đáp ứng yêu cầu thì khó có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đại này. Sau cùng, vì khó khăn mà các DN  phải tìm nguồn vốn phi chính thức, lãi suất cao hơn nhiều so với vốn vay phổ biến trên thị trường, càng chênh lệch cao so với vốn vay ưu đãi và thậm chí có khi nặng gánh áp lực kinh doanh vì tín dụng đen...”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn rằng, các gói tín dụng ưu đãi lãi vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nghe rất hấp dẫn, nhưng thực tế chỉ dành cho doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt hoặc là “mối ruột” của các ngân hàng, bởi các ngân hàng sẽ không vì ưu tiên các DN vừa và nhỏ phát triển mà lại đẩy mạnh rủi ro nợ xấu tăng lên được.

“Dù một số ngân hàng có chính sách ưu đãi về lãi suất nhưng chỉ trong một thời gian ngắn hạn nhất định, thường là từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó sẽ thả nổi lãi suất theo thị trường. Bởi lãi suất huy động ở mức cao thì sẽ khiến lãi suất cho vay không cách nào giảm như kỳ vọng của khách hàng và doanh nghiệp”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thẳng thắn.

Từ ngày 8/11/2019, chính thức nâng mức vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đó, về mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định số 74 đã nâng mức vay tối đa từ 1 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, lên mức 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa cũng được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng…