Ít nhất 3 loại vắc-xin thử nghiệm trái phép đã được các chủ trang trại lợn lén mua để tiêm cho hàng triệu con lợn. Không có loại vắc-xin nào trong những loại vắc-xin này được chứng minh là an toàn và hiệu quả để chống lại bệnh tả lợn châu Phi, một chuyên gia thú y giấu tên và một số nguồn tin khác có liên quan đến ngành công nghiệp thịt lợn ở tỉnh Giang Tô nói với tạp chí Caixin (Tài Tân) của Trung Quốc.
Các vắc-xin này được triển khai tiêm cho đàn lợn sau khi nông dân ký thỏa thuận giữ bí mật với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, các vắc-xin nói trên đã dẫn đến thiệt hại lớn cho một số đàn lợn và gây ra sự hỗn loạn, Caixin dẫn lời một chuyên gia thú y khác ở tỉnh Quảng Đông cho biết.
Cụ thể, một số lợn sau khi tiêm chủng đã gặp phải một tình trạng mô da bị chết; một số lợn nái bị sảy thai; một số lợn khác khác không chịu tác dụng phụ, nhưng vẫn chết vì mắc bệnh, theo Caixin.
Zhang Guihong, giáo sư thú y từ Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc cho biết, việc sử dụng vắc-xin bất hợp pháp của một số trang trại đã làm tăng thêm thách thức trong việc loại trừ dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.
Các loại vắc-xin khác nhau được sử dụng đồng thời ở một số khu vực, gây khó khăn cho việc phân biệt tính an toàn và hiệu quả của chúng cũng như khiến các nhà chức trách không thể phân loại được đàn lợn nào đã được tiêm phòng, đàn lợn nào chưa, bà Zhang bình luận.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 9 cảnh báo rằng vắc-xin thử nghiệm, tự chế hoặc thậm chí nhập lậu có thể mang lại rủi ro khó lường cho nước này. Bộ này cũng cảnh báo các trang trại không sử dụng vắc-xin của nước ngoài bừa bãi vì chủng dịch của Trung Quốc thuộc cái gọi là kiểu gen 2 và vắc-xin dựa trên các chủng vi-rút khác có thể làm tình hình tồi tệ hơn.