Cuối phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), giai đoạn 2014-2018, chiều 13/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH), đến nay cơ bản hoàn thiện.
Cùng đó, đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC dưới nhiều hình thức, giáo dục kỹ năng PCCC cho các đối tượng…
Công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC đã được tăng cường. Các công trình vi phạm về PCCC đều bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ Công an cũng đề nghị UBND cấp tỉnh có các biện pháp xử lý nghiêm với các chủ đầu tư công trình vi phạm về PCCC…
Đặc biệt, công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nghiêm túc. Qua đó, số vụ cháy được dập tắt kịp thời chiếm tỷ lệ cao.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Chỉ có 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% các vụ còn lại cháy vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời đã bảo vệ được hàng nghìn tỷ đồng tài sản, cứu được hàng nghìn người khỏi các vụ cháy; công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) cũng được tổ chức kịp thời, cứu hàng trăm người, nhiều chiến sỹ PCCC đã xả thân quên mình cứu người, cứu tài sản. Hình ảnh chiến sỹ PCCC dũng cảm đã được người dân ghi nhận.
“Chúng tôi cũng rất xúc động khi có cử tri, đồng bào kiến nghị dựng tượng chiến sỹ PCCC trước những việc làm dũng cảm trong công tác PCCC, CNCH”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết từ năm 2014 đến nay, có 5 chiến sĩ đã hi sinh và hàng chục chiến sĩ bị thương trong quá trình chữa cháy.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong 4 năm qua, công an đã khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy, truy tố 43 bị can, xử phạt hơn 98.000 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 200 tỉ đồng, đình chỉ hơn 1.900 trường hợp, tạm đình chỉ hơn 2.700 trường hợp vi phạm liên quan đến PCCC.
Ông Tô Lâm cũng cho rằng, phương tiện chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn còn thiếu, lạc hậu, cần tiếp tục đầu tư bổ sung.
Giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trước đó, người đứng đầu ngành Công an cho biết: Có đại biểu nói rằng tại các thành phố lớn lại xảy ra nhiều vụ cháy lớn, chúng tôi thấy có một quy luật là ở các địa phương kinh tế xã hội càng phát triển thì số vụ cháy càng xảy ra nhiều và phức tạp hơn. Thực tế các nước phát triển cũng có tình trạng này.
Ví dụ, Nhật Bản trung bình mỗi năm xảy ra 43.632 vụ cháy, Hàn Quốc là 42.335 vụ/ năm, Philippines là 13. 800 vụ/năm, Singapore cũng hơn 4.720 vụ/ năm… Còn Việt Nam trung bình khoảng 13.000 vụ/ năm.
“Đây là một quy luật, ở các địa phương phát triển xảy ra tình trạng này, chứ chúng tôi hoàn toàn không chủ quan”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Nhắc lại vụ cháy trên tàu dầu Hải Hà 18 ở Hải Phòng ngày 10/3/2018 mà trực tiếp ông phối hợp với Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, các ngành của địa phương chỉ đạo chữa cháy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn tàu đang bơm được gần 300 khối dầu.
Hải Phòng lúc đó chưa có tàu cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy trên sông nước, phải điều 2 tàu chữa cháy từ Quảng Ninh sang, mất 4 tiếng di chuyển. Khi vụ cháy bắt đầu phát hiện là lúc gần 5h chiều, tập trung CNCH, dập tắt được lúc 12h đêm.
Hải Phòng khi đó chỉ có 2 tấn bọt chữa cháy xăng dầu, trong khi cháy xăng không thể cấp cứu bằng nước mà phải bằng hóa chất, bằng bọt. Hải Phòng không dám mua nhiều hóa chất này, vì nếu mua nhiều không dùng sẽ hết hạn. Bộ đã điều động 10 tấn xuống và 12h đêm mới kéo được tàu sang bên bờ cảng bên kia của huyện Thủy Nguyên, không để cháy lan rộng.
“Nếu xảy ra vụ cháy ở đấy thì có thể gọi là thảm họa của quốc gia. Thời điểm đó, chúng tôi đã tính phương án sơ tán dân của quận Hải An (Hải Phòng) đi ra khu vực khác. Bởi khu vực người dân chỉ cách những kho xăng bơm dầu từ 50-100m mà không có phương tiện, đến khi muốn kéo tàu từ bờ bên này sang bên bờ sông bên Thuỷ Nguyên thì không có tàu kéo, thậm chí cáp kéo nặng 4 tấn thì ai móc được vào tàu khi tàu đang cháy... Đó là cuộc chiến đấu rất vất vả, khó khăn”, ông nói.
Từ vụ việc cụ thể trên, Bộ trưởn Công an cho biết TP. Hải Phòng đã rút kinh nghiệm mua tàu PCCC trên sông nhưng vướng vào việc đầu tư công, Bộ Công an lại không có kinh phí, UBND, HĐND Hải Phòng cho tiền để xây nhưng tài sản không được giao cho Bộ Công an.
Theo đó, người đứng đầu ngành Công an cho rằng, trên thực tế công tác PCCC, CNCH vẫn còn nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề phức tạp, thời gian tới, ngành công an sẽ thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó có kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực PCCC.