Sau hơn 2 năm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hoạt động của hãng gần như "đóng băng", nghệ sĩ bị cắt chế độ (lương, BHXH) khiến đồng loạt nghệ sĩ căng băng rôn phản đối hồi đầu năm 2019. Sau đó, Bộ VH-TT&DL cùng Thanh tra chính phủ đã có buổi làm việc với các nghệ sĩ của VFS.
Theo thông báo số 116/TB-VPCP ngày 02/04/2019 của Văn phòng chính phủ Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 26/2/2019 về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, kết luận Bộ VH-TT&DL hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược, đồng thời thống nhất phương án tài chính xử lý việc theo đúng pháp luật.
Đơn kiến nghị các nghệ sĩ của VFS gửi lên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Mặc dù đã có kết luận rõ ràng về việc xử lý sau thanh tra nhưng nhiều tháng nay quá trình giải quyết vẫn là "ẩn số" khiến đời sống tinh thần của nghệ sĩ Hãng hoang mang, bế tắc.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải bức xúc cho biết: "Kịch bản phim "Người yêu ơi" của tôi dù đã được Bộ phê duyệt và đồng ý rót vốn từ năm 2018 nhưng tới nay vẫn không được triển khai do những vướng mắc giữa VFS - Vivaso và Bộ chưa được giải quyết. Mới đây, Bộ lại hứa sẽ chuyển kế hoạch sang năm 2020. Một bộ phim đã được duyệt mà 3 năm nay vẫn nằm trên giấy. Nếu còn tiếp tục kéo dài thế này, nghệ sĩ chán nản và Hãng sẽ tự tan mất thôi".
Quay phim, NSƯT Vũ Đức Tùng - Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó giám đốc sau khi cổ phần, đại diện vốn Nhà nước của hãng Phim truyện Việt Nam cho biết anh cũng là một trong những nghệ sĩ bất ngờ bị cắt hết các chức vụ, lương, bảo hiểm. Anh cho rằng hành động này của Vivaso là sự xúc phạm đối với những cống hiến nghệ thuật của các nghệ sĩ Hãng phim từ nhiều năm qua. Mặc dù Bộ VH-TT&DL đã quyết định cho Vivaso thoái vốn trước thời hạn nhưng đến nay công ty này vẫn có con dấu, vẫn là đơn vị điều hành hợp pháp đến thời điểm hiện tại.
Đạo diễn Bùi Trung Hải và NSƯT Vũ Đức Tùng.
Cũng theo NSƯT Vũ Đức Tùng, rất nhiều lần cán bộ nhân viên, nghệ sĩ VFS đã gửi đơn đề nghị, kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL song tình hình không có gì cải thiện.
"Khoảng 1 tháng trước, Bộ VH-TT&DL có gửi triệu tập cho người đại diện vốn nhà nước một cuộc họp cùng các nghệ sĩ của Hãng phim nhưng sau đó lại hoãn không rõ lý do.
Hiện tại, các nghệ sĩ không có yêu cầu gì to tát mà chỉ muốn Bộ làm rõ, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình theo thông báo số 116/TB-VPCP ngày 02/04/2019 thì lộ trình cụ thể rõ ràng việc thoái vốn của Vivaso đến đâu? Số phận của VFS sẽ thế nào? Chúng tôi chỉ muốn được làm nghề, muốn Hãng hoạt động" - quay phim Vũ Đức Tùng bày tỏ.
Anh cũng đồng thời nhấn mạnh: "Thái độ của Bộ VH-TT&DL không rõ ràng. Trong thời gian chờ đợi quá trình Vivaso rút khỏi VFS, chúng tôi từng đề nghị Bộ lập ra một tổ chức, người lãnh đạo tạm thời để "vực" tinh thần nghệ sĩ trong Hãng hoặc có thể duy trì một vài hoạt động. Song câu trả lời vẫn chỉ là xem xét.
Mới đây nhất, ngày 28/10/2019, sau rất nhiều Đơn đề nghị, kiến nghị của VFS, ông Trần Hoàng - Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài Chính (Bộ VH-TT&DL) đã gửi công văn tới người đại diện vốn của Hãng cho biết, đơn vị này đề xuất người đại diện vốn Nhà nước phối hợp với Ban giám đốc công ty xem xét, nghiên cứu tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết theo quy định của pháp luật và Điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần với những vấn đề thuộc trách nhiệm của cổ đông nhà nước.
Khung cảnh tiêu điều của Hãng phim truyện Việt Nam.
Dãy nhà làm việc của Hãng phim "không một bóng người"
Một số phòng không hoạt động nên khoá đã gỉ sét từ lâu.
Theo đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết, VOV đã từng đề nghị sẽ tiếp quản lại VFS ngay sau khi Vivaso hoàn thành việc thoái vốn. Thậm chí các đạo diễn cũng đã có cái "bắt tay" đầu tiên với VOV trong một số dự án Tết 2019 song đến lộ trình thoái vốn của Vivaso vẫn là "ẩn số" chưa được giải quyết dứt điểm khiến việc về với VOV ngày càng trở nên xa vời. |