Dân Việt

Phối hợp giáo sư Mỹ cứu cháu bé mắc khối u quái vùng mặt

Trần Hòe 14/11/2019 15:01 GMT+7
Bệnh viện Trung ương Huế vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhi mắc u quái hỗn hợp vùng mặt.

Chiều 14/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cơ sở y tế này vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhi mắc u quái hỗn hợp vùng mặt.

Đó là trường hợp bệnh nhi H.H.H.N (4 tuổi, trú tại TP.Huế). N có khối u quái vùng má bên phải từ lúc 4 tháng tuổi. Khởi đầu với khối u ở trong khoang miệng gây chèn lưỡi, cản trở ăn uống. Bố mẹ N đã đưa con đến khám nhiều bệnh viện lớn trong nước nhưng không bệnh viện nào tìm được hướng giải quyết. Khối u lớn lên từng ngày, gây cản trở đường thở, khiến cháu N nói khó, ăn uống khó.

img

Quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u quái hỗn hợp vùng mặt cho cháu N.

Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế, với kết quả xét nghiệm khối u đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia giải phẫu bệnh của Bệnh viện St. Jude - Hoa Kỳ, đây là khối u quái dạng hỗn hợp, vừa có thành phần ác tính, vừa có thành phần lành tính.

Lúc này, GS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì hội chẩn đa chuyên khoa để chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi N. Bên cạnh đó, qua sự kết nối thường xuyên của TS.bác sĩ Phan Cảnh Duy - Trung tâm Ung Bướu và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Trung tâm Nhi với các chuyên gia nước ngoài, bênh nhi cũng được hội chẩn trực tuyến giữa đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế với Bệnh Viện Nhi ung thư nổi tiếng St Jude Children’s Reseach Hospital từ Mỹ, cũng như với các chuyên gia về u đặc trẻ em ở Viện Curie - Pháp.  

img

Cháu bé đã được trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường với sức khỏe hoàn toàn bình phục. 

Trên cơ sở đó, phác đồ điều trị cho bệnh nhi được thống nhất bao gồm hóa trị để tiêu diệt phần u quái ác tính, và phẫu thuật cắt trọn khối u còn lại.

Sau khi hoàn tất liệu trình hóa trị kéo dài 5 tháng tại Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế, khối u có đáp ứng một phần, tuy nhiên, phần còn lại vẫn còn rất lớn, u xâm lấn xương vùng mặt nên khả năng phẫu thuật cắt hết khối u vẫn rất khó khăn. Nếu cắt bỏ khối u, cháu sẽ bị khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, rất khó tạo hình lại để đảm bảo chức năng nói, thở cũng như ăn uống cho bệnh nhi.

Toàn bộ dữ liệu được gửi đến cho GS-bác sĩ McKay McKinnon, phẫu thuật viên tạo hình nổi tiếng của bệnh viện Đại học Chicago - Mỹ. Ông MCkinnon đồng ý đến Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi N cũng như những ca bệnh phức tạp khác.

Qua 4 tiếng phẫu thuật căng thẳng, với sự trợ thủ của bác sĩ CK II Trần Xuân Phú cùng với các phẫu thuật viên của Trung tâm Răng Hàm Mặt Bệnh viện Trung ương Huế, GS McKinnon đã cắt trọn thành công khối u cùng với cắt bỏ ½ xương hàm dưới do u xâm lấn. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhi phục hồi nhanh chóng và đã được xuất viện.

Đến thời điểm này, liệu trình điều trị đã kết thúc một cách thuận lợi theo như dự kiến, cháu bé trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường với sức khỏe hoàn toàn bình phục.

Theo kế hoạch đã vạch ra trước khi mổ của GS McKinnon, bệnh nhi được theo dõi và sẽ phẫu thuật tạo hình xương hàm dưới khi cháu đủ lớn, xương vùng mặt ổn định lúc 15-16 tuổi.