Theo phản ánh của phóng viên hãng tin AP, do những trường hợp tử vong xảy ra hàng năm nên người ta gọi hiện tượng này là "hội chứng đột tử Vân Nam". Không ai biết nguyên nhân gây nên hội chứng này, dù nó đã cướp mạng sống của khoảng 400 người trong vòng ba thập kỷ.
Nhà bệnh dịch học Robert Fontaine thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ nói về nấm Tiểu Bạch trong một cuộc hội thảo về hội chứng đột tử Vân Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 13/7. Ảnh: AP.
BBC dẫn lời Zhang Shu - một bác sĩ về tim của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Trung Quốc - nói rằng người dân đồn đại nhiều câu chuyện kỳ lạ. Chẳng hạn, một số người đột tử khi đang nói chuyện. Nhiều người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, tim đập loạn xạ, co giật và kiệt sức vài giờ trước khi chết.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Trung Quốc lập một đoàn chuyên gia để điều tra vụ việc. Sau quá trình điều tra kéo dài tới 5 năm, nhóm chuyên gia tin họ đã tìm ra thủ phạm. Đó là một loại nấm có tên Tiểu Bạch. Chúng thuộc nhóm Trogia và chứa ba loại axit amin độc.
Robert Fontaine, một nhà bệnh dịch học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, là một trong những thành viên tham gia quá trình điều tra. Ông nói các chuyên gia tới những làng xa xôi trên các cao nguyên thuộc tỉnh Vân Nam. “Đó là những làng thường xuyên có nhiều người chết trong một thời gian rất ngắn vào mùa hè”, Fontaine nói.
Món lẩu nấm trong một nhà hàng tại tỉnh Vân Nam. Ảnh: flickr.com.
Giới chức y tế tỉnh Vân Nam phát hiện hội chứng đột tử từ nhiều năm trước và kêu gọi chính phủ giúp đỡ vào năm 2004.
Nhóm điều tra đối mặt với vô số trở ngại. Nhiều người dân giao tiếp bằng tiếng địa phương khiến các chuyên gia không hiểu họ nói gì. Các làng phân bố rải rác trong những vùng hẻo lánh. Tập quán chôn người chết sớm khiến nhóm điều tra không thể khám nghiệm tử thi. Những cơn mưa lớn và lở đất khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Nhưng ngay trong năm đầu tiên của quá trình điều tra, các chuyên gia đã thu hẹp được danh sách các nguyên nhân. Họ nhận thấy phần lớn nạn nhân từng uống nước trên mặt đất, rối loạn thần kinh và ăn nấm.
Nhóm điều tra tập trung vào nấm vì những trường hợp tử vong thường xảy ra vào mùa thu hoạch nấm. Hơn 90% trường hợp đột tử xảy ra vào tháng 7 và tháng 8. Vào cuối năm 2005, các chuyên gia bắt đầu cảnh báo một số làng không nên ăn những nấm lạ.
Tuy nhiên, phần lớn người dân không làm theo cảnh báo. Vân Nam vốn nổi tiếng vì sự đa dạng của các loài nấm ngon, trong đó nhiều loài được xuất khẩu ra nước ngoài với giá rất cao. Vì thế người dân trong các làng thường tìm nấm trong những tháng mùa hè.
Tới năm 2008, nhóm điều tra phát hiện ra rằng trong nhà những người đột tử đều có một loài nấm lạ mà họ gọi là Tiểu Bạch. Nấm này không được bán ngoài chợ vì chúng quá nhỏ và chuyển sang màu nâu rất nhanh kể từ khi người ta hái. Có lẽ vì không bán được mà người dân đã ăn nấm Tiểu Bạch.
“Chúng tôi liên tục tìm thấy chúng ở tất cả địa điểm mà chúng tôi tới”, Fontaine kể.
Một chiến dịch truyền thông rầm rộ về sự nguy hiểm của loài nấm lạ giúp làm giảm đáng kể số lượng người chết. Trong vài năm trước chỉ còn vài trường hợp tử vong, còn trong năm nay giới chức chưa ghi nhận trường hợp nào.
Mặc dù vậy, có vẻ như bức màn bí ẩn vẫn chưa được vén hoàn toàn. Kết quả phân tích cho thấy nấm Tiểu Bạch chứa một số chất độc, song độc lực của chúng lại không đủ mạnh để gây chết người. Vì thế các nhà khoa học phải tách từng chất và kiểm tra xem những chất nào có thể gây trụy tim.
Một số chuyên gia cho rằng có thể còn một tác nhân khác, bởi nhiều nạn nhân có nồng độ bari (Ba) rất cao trong cơ thể. Ba là kim loại nặng trong đất và xâm nhập vào nấm.
“Công việc chưa kết thúc. Chúng tôi còn phải tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm”, Fontaine thừa nhận.
Những trường hợp mắc bệnh, tử vong vì nấm khá phổ biến tại châu Á. Đây là nhận định của ông Diderik De Vleeschauwer, người phát ngôn của văn phòng Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Thái Lan.