CLIP: Ông Dương chia sẻ về giá lợn từ nay đến cuối năm.
Theo ông Dương, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản kiểm soát tốt, nên các địa phương nên vận động người dân tái đàn có kiểm soát, đừng né tránh việc tái đàn, nếu đủ điều kiện hãy hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
Ông Dương cho biết thêm, Tây Ban Nha đã có 28 năm sống chung với dịch nên đừng mong hết dịch mới tái đàn. Để chủ động nguồn thực phẩm, người tiêu dùng cũng nên chuyển đổi cơ cấu bữa ăn, gà đồi Yên Thế, cá chép, cá trắm rất ngon, hãy chuyển sang dùng thực phẩm này, thay vì chỉ dùng thịt lợn; điều này cũng là một giải pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, với Chính phủ.
Giá lợn hơi hiện tại là do người Việt kéo lên và chúng ta có thể kéo xuống được. Theo tôi, sắp tới chúng ta cần thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Ông Dương cho rằng: Trong đó vấn đề đầu tiên là phải tuyên truyền đầy đủ về nguồn cung, đặc biệt là giá thịt lợn. Thông tin phải chính xác và dựa vào giá chủ lưu, không nói về giá cá biệt. Còn việc xử lý trong lưu thông, làm sao để người giết mổ nhỏ lẻ phải tiếp cận được nguồn cung lợn thịt để tiêu thụ và bán thịt lợn đúng giá theo thị trường.
Đặc biệt chúng ta phải hạn chế việc dừng xe chở lợn. Các nước trên thế giới còn có xe, cảng chuyên dùng chở lợn, bò để chúng không bị stress. Chúng ta chưa có thì phải làm tổng thể, các doanh nghiệp như CP, DABACO... phải là người đầu tiên giảm giá xuống. Nếu cứ tăng như hiện nay thị trường sẽ bị phá vỡ. Hiện nay, chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá, chứ các doanh nghiệp có hệ thống giết mổ hiện đại không làm giá.
Thứ 2, phải kiểm soát được nguồn cung. Đặc biệt, vụ đông xuân sắp tới rồi chúng ta không được chủ quan lơ là, mà phải làm quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nếu để tái dịch sẽ rất nguy hiểm.
Thứ 3, phải tái đàn ngay bây giờ để có thịt cung cấp cho thị trường hiện tại và Tết sắp đến.
Thứ 4, sử dụng có hiệu quả chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, dùng vôi bột để khử trùng. Đơn giản nhất là sau khi bị dịch hay xuất bán lợn, bà con lấy vôi rắc vào chuồng để khử trùng.
Theo ông Dương, chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá lợn chứ không phải doanh nghiệp. Ảnh: I.T
Thứ 5, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí, truyền hình phải tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm trong bữa ăn.
Thứ 6, ngành Công Thương đặc biệt phải quan tâm bình ổn giá, trứng, gà không sợ thiếu, chúng ta phải dùng các biện pháp để bình ổn, không để thị trường bị phá vỡ.