Chuyện học hộ, thi hộ ngày càng phổ biến trong các trường ĐH dù đã có những biện pháp siết chặt.
Tại các trang mạng như raovat, muare, rongbay, những thông tin về việc học hộ, thi hộ đăng tải với đầy đủ giá cả, số điện thoại liên hệ. Thông thường, giá học hộ một buổi khoảng 50.000 đồng, thi hộ học kỳ đạt 7 điểm giá 700.000, 8 điểm giá 800.000…
Riêng trang hocthue.net đã hoạt động công khai từ 3 năm nay, với các dịch vụ giải bài tập thuê, viết luận văn, tiểu luận thuê được trao đổi ngầm với nhau qua số điện thoại 0985.08 xxxx. Trên Facebook, có các hội nhóm mang tên “Hội những người lười học” (1.539 thành viên), Hội những người lười học nhưng muốn được điểm cao (gần 1.000 thành viên)...
Tổ chức thi cử nghiêm ngặt chỉ hạn chế phần nào việc thi hộ |
Học quá yếu nên nhờ người thi
Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trong 2 năm học vừa qua, trường đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp sinh viên (SV) thi hộ”. Ông Đặng Hữu Khanh, cán bộ của trường cung cấp thêm thông tin, những trường hợp nhờ thi hộ đều do học lực quá yếu.
Chẳng hạn T.T.B, ngành sư phạm điện - điện tử khai nhờ N.V.Q, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là người quen thi hộ. Tuy nhiên, khi gửi công văn sang Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để xác nhận, danh sách SV của trường không có tên này. Trường hợp của H.V.T ngành sư phạm cơ khí động lực cũng do học lực quá yếu nên nhờ N.T.V, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thi hộ môn vẽ kỹ thuật học kỳ 2.
Không chỉ chương trình chính quy, mà tại lớp nghiệp vụ sư phạm cũng xảy ra tình trạng này, như trường hợp N.T.H ngành điện công nghiệp đã nhờ C.T.D (đã có chứng chỉ sư phạm bậc 2) thi môn văn hóa giảng dạy khiến D. bị thu hồi chứng chỉ, còn H. thì bị hủy kết quả thi.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Phó phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Trong 3 kỳ thi chuẩn đầu ra tiếng Anh B1 gần đây, trường đã phát hiện, lập biên bản và xử lý 11 trường hợp thi hộ. “Đa số là SV năm cuối. Có một số em đã hoàn tất chuyên môn, chỉ còn B1 Anh văn (môn điều kiện). Các em đã đánh liều nhờ thi hộ”.
Mới đây Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã xử lý đình chỉ một năm học đối với N.A.K năm 3 Khoa tiếng Anh thi hộ môn ngoại ngữ cho một SV viên liên thông đang học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Phó phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên, cho biết thêm vào thời gian trước, một nữ SV học ngành ngữ văn năm 3 cũng đã thi hộ một bạn gái cùng lớp do bạn này thi rớt nhiều lần, cả 2 đều bị xử lý theo quy chế là đình chỉ một năm học.
Phạt tiền vẫn không hiệu quả
Nhiều trường cũng cố gắng có các biện pháp cũng như quy định xử phạt các hiện tượng này nhưng không thấm vào đâu so với thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức cho biết: “SV thi hộ hoặc nhờ thi hộ lần đầu, bị đình chỉ học tập một năm, tái phạm buộc thôi học. Việc tổ chức thi của trường thực hiện giống như thi tuyển sinh ĐH. Mỗi phòng thi bố trí không quá 40 SV và có 2 giám thị coi thi cùng với giám thị hành lang. SV vào phòng thi bắt buộc phải có thẻ SV hoặc giấy chứng minh nhân dân”.
Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, nếu SV không có giấy tờ cần thiết, trường sử dụng biện pháp lăn tay để nếu có làm giả giấy tờ vẫn bị phát hiện.
Theo dự thảo Nghị định về quản lý giáo dục mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến, mức xử phạt hành chính đối với hành vi thi hộ, chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi hoặc làm bài, trợ giúp thí sinh làm bài phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng: “Đối với SV thì kỷ luật bằng quy chế có ý nghĩa hơn là bằng tiền. Với các trường hợp làm giấy tờ giả phải xử lý nghiêm túc theo pháp luật. Trước hết phải ngăn chặn “cung” bằng cách xử phạt thật nặng các tổ chức thi hộ chuyên nghiệp”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Phó phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng đồng tình. Ông khẳng định: “Việc phạt tiền vẫn không ăn thua vì SV sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua điểm, nhất là chứng chỉ ngoại ngữ thì bao nhiêu tiền cũng mua được. Do đó, trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức học hành thi cử thật chặt chẽ và tăng cường phổ biến nâng cao ý thức cho SV.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết: “11 trường hợp bị phát hiện thi hộ tiếng Anh B1 vừa qua ở trường, đa số làm giấy tờ giả rất giống thật, rất tinh vi”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, công nhận: “Nếu nói phát hiện được hết thì cũng khó. Một lớp học quá đông thì việc điểm danh cũng có lúc sơ xuất. Nếu SV thuê người đi học từ đầu đến cuối thì làm sao biết. Những SV đã cố tình gian lận, nhờ cậy đến các đối tượng chuyên nghiệp thì giám thị coi thi bình thường cũng không đủ nghiệp vụ để phát hiện. Thêm nữa, đặc điểm của học chế tín chỉ là SV không cố định như niên chế nên giảng viên cũng khó nhớ hết SV”.