Dịch đã yên?
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có 208/230 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), trong đó 3 huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động đã hơn 30 ngày không tái phát dịch.
Người dân Việt Yên (Bắc Giang) chăm sóc đàn lợn chuẩn bị cung ứng cho thị trường tết. Ảnh: Minh Ngọc
"Tỉnh rất chú trọng việc đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân để hiểu rõ tác động nguy hại của việc vứt xác lợn ra môi trường, vận động người dân tiêu hủy đúng cách, đúng quy trình… Nhờ đó, việc khống chế dịch bệnh được thực hiện tốt hơn”. Ông Lê Văn Dương |
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 27.000 con lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP, tương ứng với gần 14.500 tấn. Lạng Giang vẫn là huyện có số lợn mắc dịch chết nhiều nhất với hơn 54.600 con; Lục Ngạn xếp thứ 2 với hơn 46.000 con; địa phương ít nhất là TP.Bắc Giang có gần 9.000 con lợn bị tiêu hủy. Tuy nhiên, đã có 19 xã, phường, thị trấn tái phát dịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc khống chế dịch bệnh và tái đàn, ông Lê Văn Dương - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho hay, ngay từ đầu tháng 8, khi có hiện tượng không phát sinh dịch thì ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn.
“Trong các văn bản hướng dẫn, chúng tôi cũng đã thống kê và công khai các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện tái đàn, các sản phẩm vi sinh phù hợp với việc tái đàn theo mô hình an toàn sinh học và tất nhiên không thể thiếu việc hướng dẫn chi tiết các loại hình chăn nuôi an toàn” – ông Dương nói.
Những ngày gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn Bắc Giang tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm cán mốc 75.000 đồng/kg. Ông Dương cho biết, đàn lợn của Bắc Giang đã sụt giảm đáng kể sau DTLCP nhưng tổng đàn hiện vẫn đạt khoảng 700.000 con, ước tính sẽ có khoảng 20.000 tấn thịt lợn thương phẩm cung ứng phục vụ dịp Tết.
Hiện trung bình mỗi ngày có 10 chuyến xe vận chuyển lợn thương phẩm của Bắc Giang (khoảng 300 con) đi các địa phương khác như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh nên đã tạo ra hiện tượng khan hiếm nguồn cung. Một số chủ trang trại chăn nuôi có ý định “găm hàng”.
Tái đàn có kiểm soát
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đang khuyến khích người dân tái đàn. Theo ông Lê Văn Dương: “Trong quá trình tái đàn, chúng tôi cũng kiểm soát rất gắt gao việc thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Bắc Giang đang có 800.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, trong đó đàn lợn nái là gần 100.000 con, 376 trang trại chăn nuôi an toàn. Tỉnh cũng khuyến khích các hợp tác xã chăn nuôi quy mô nhỏ tham gia chuỗi liên kết, đưa các chủ trang trại chăn nuôi nhỏ vào chuỗi, bổ sung các sản phẩm vi sinh hiệu quả để góp phần thay đổi chất lượng nguồn thịt cũng như đảm bảo việc kiểm soát dịch được tốt hơn.
“Ngoài ra, trong tháng 10 tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 10 huyện, thị trong tỉnh, đảm bảo toàn bộ cán bộ thú y cơ sở đều nắm được quy trình tái đàn an toàn và kiểm soát tốt việc ngăn chặn dịch bệnh quay lại. Chúng tôi có cơ chế chính sách rõ ràng trong việc tiêu hủy xác lợn dịch, lợn chết, đó là công khai việc đền bù, tiêu hủy cũng như thành lập các tổ đội tiêu hủy đúng theo quy trình để giúp dân” – ông Dương thông tin thêm.
Là một trong những đơn vị đang tổ chức chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học, ông Lê Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Hải Thịnh (Hiệp Hòa) cho biết, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường hơn 300 con lợn ông, bà; hơn 1.200 lợn bố, mẹ; 6.000 lợn thương phẩm. Nếu vật nuôi mắc bệnh thì thiệt hại vô cùng lớn.
Để hạn chế dịch bệnh, Công ty chăn nuôi theo mô hình 3 F (Farm-Feed-Food), tức là sản xuất theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi và giết mổ chế biến. Hiện tại công ty đã có trại lợn giống, dây chuyền giết mổ theo hướng hiện đại với công suất thiết kế 400 con/ngày. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến thịt lợn thành các sản phẩm như: Dăm bông, xúc xích, giò…
“Với việc hình thành chuỗi khép kín, đơn vị kiểm soát tốt dịch bệnh, vật nuôi khỏe mạnh ngay cả trong thời điểm DTLCP hoành hành khắp nơi” – ông Hải cho biết.