Dân Việt

Gỗ quê xuất ngoại

09/12/2010 11:16 GMT+7
(Dân Việt) - "Lần đầu tiên cây gỗ của quê tôi được cấp chứng chỉ quốc tế xuất khẩu ra thế giới"- ông Cao Biên Hòa - Trưởng nhóm hộ trồng rừng ở xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị), phấn khởi nói.

Vùng rừng keo lá tràm và keo lai F1 gồm 358ha của 152 hộ ND thuộc 2 xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) và Trung Sơn (huyện Gio Linh) vừa được Tổ chức GFA của CHLB Đức và Rainforest Alliance - Tổ chức Quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ công nhận về quản lý rừng bền vững, đem lại lợi ích kinh tế cao, đảm bảo môi trường. Đây là diện tích rừng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ này.

Visa đưa gỗ ra thế giới

Năm 2007, 152 hộ có diện tích rừng ở 2 xã này được Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã Thế giới thông qua Dự án Quản lý và kinh doanh lâm sản bền vững hướng dẫn các bước xây dựng chứng chỉ rừng và tập huấn kiến thức trồng rừng. Qua 3 năm thực hiện, ngày 16-10-2010, diện tích rừng trên được cấp chứng chỉ.

Ngoài diện tích nói trên, Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị đang lập hồ sơ đề nghị Dự án Quản lý và kinh doanh lâm sản bền vững xây dựng và cấp chứng chỉ cho 7.000ha rừng thuộc các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng- ông Hoàng Đức Doanh - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết.

Để được cấp chứng chỉ, nhóm hộ trồng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt 10 nguyên tắc, 54 tiêu chí trồng rừng. Trong đó, quan trọng là các tiêu chí cấm săn bắt động vật hoang dã; không được dùng máy cày, san ủi đất; giữ lại trên 5% cây bản địa; không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây hại môi trường; không được sử dụng lao động trẻ em…

Ông Cao Biên Hòa chia sẻ: "Khi rừng được cấp chứng chỉ và tiến hành xác định trữ lượng gỗ, sản phẩm của nhóm hộ trồng rừng sẽ được bán đi tất cả các nước trên thế giới thông qua mạng lưới kinh doanh gỗ toàn cầu. Nếu như tư thương ngoài thị trường mua 1m3 gỗ keo lá tràm đường kính 14cm trở lên giá 1,1 triệu đồng/m3, thì gỗ của vùng rừng có chứng chỉ có cùng đường kính như thế bán tới 1,6-2,4 triệu đồng/m3".

Thu nhập gấp đôi

Tuy mới được cấp chứng chỉ hơn 1 tháng, nhưng nhóm hộ trồng rừng ở xã Trung Sơn đã xuất khẩu đợt gỗ đầu tiên thu từ hơn 6ha. Ông Nguyễn Vinh - ND thôn Kinh Môn (Trung Sơn, Gio Linh), phấn khởi: "Nghe nói trồng rừng mà cấp chứng chỉ như học lấy bằng tú tài tui mơ hồ lắm, có biết chi mô. Té ra lâu nay việc thuê máy san ủi đất, phát sạch thực bì vừa tốn chi phí gấp đôi, vừa làm nghèo dinh dưỡng đất. Vừa rồi, tui bán 1,1ha rừng được 50 triệu đồng, gấp đôi so với bán trôi nổi ngoài thị trường".

Xã Vĩnh Thủy, có gần 90 hộ trồng rừng được cấp chứng chỉ với hơn 200ha keo lai F1. "Ước tính sau 10 năm, 1ha keo F1 sẽ cho thu nhập 90 triệu đồng, gấp 3,5 lần rừng trồng thông thường. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng bán rừng non, bà con rất cần sự hỗ trợ vốn trong thời gian rừng chưa đến kỳ thu hoạch" - ông Nguyễn Thanh - Trưởng nhóm trồng rừng thôn Thủy Ba Tây, đề xuất.

Trước thực trạng bà con ở các vùng gò đồi đang ngày càng có xu hướng "cao su hóa đất rừng" gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì việc trồng rừng chứng chỉ đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Hoàng Đức Doanh - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị, cho biết: "Mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đều buộc phải nhập gỗ có chứng chỉ của nước ngoài, trong khi đó, nguồn gỗ của mình rất dồi dào lại bị tư thương ép giá.

Mặt khác, lâu nay khi trồng rừng chúng ta chỉ quen tính đến lợi ích kinh tế mà bỏ qua giá trị môi trường. Việc hướng bà con đi vào trồng rừng chứng chỉ là thay đổi tập quán, nhận thức, góp phần cải thiện môi trường, giảm suy thoái đa dạng sinh học".