Mới đạt 62,5% mục tiêu
Sáng 18/11 tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, đã có 185 nông trường, công ty nông nghiệp sắp xếp, đổi mới còn 145 công ty, giảm 40 đầu mối; sắp xếp 256 lâm trường quốc doanh theo các mô hình: 148 lâm trường chuyển thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, cổ phần hóa 3 công ty; chuyển 91 lâm trường thành Ban quản lý rừng phòng hộ; giải thể 14 lâm trường.
Thu hoạch chè tại một nông trường ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Trước sắp xếp, các nông, lâm trường quản lý sử dụng 4.658.675ha, trong đó nông trường quốc doanh quản lý 567.675ha, lâm trường quốc doanh quản lý 4.091.000ha. Sau sắp xếp (thời điểm 2012), các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại quản lý, sử dụng 2.853.164ha.
Thực hiện Nghị quyết 30, việc đổi mới và sắp xếp các công ty nông lâm trường tiếp tục chuyển biến tích cực. Đến 30/6/2019, số lượng công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới đạt 62,5%; dự kiến năm 2019, công ty nông nghiệp sẽ hoàn thành sắp xếp đạt 74,42%, công ty lâm nghiệp sẽ hoàn thành đạt 86,76%; phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.
Trước sắp xếp, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24.800 tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21.980 tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3.520 tỷ đồng. “Sau sắp xếp, tình hình tài chính lành mạnh hơn, cơ bản giải quyết được nợ khó đòi, vốn chủ sở hữu tăng lên là 27.840 tỷ đồng” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Hiện nay, có xu hướng, nhiều công ty nông, lâm nghiệp đã liên kết với các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco là thành viên tham gia góp vốn tại Công ty TNHH MTV nông - công nghiệp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (riêng tại Đồng Nai, Công ty VinEco đã góp đủ 310 tỷ đồng, chiếm 77,5% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt và đồng đều. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít (khoảng 91.419ha/462.980ha).
Việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai mất nhiều thời gian. Tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất là rừng trồng với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ để lấn chiếm khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.
Một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh liên kết, sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích còn tiếp diễn; vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhất là khu vực Tây Nguyên còn hiệu quả thấp.
Kiên quyết xử lý việc xâm lấn
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Gia Lai nêu, trong thời gian dài, việc quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, còn buông lỏng, thiếu quan tâm và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai kéo dài nên việc xử lý càng phức tạp và rất khó giải quyết thỏa đáng.
Đến 30/6/2019 số lượng công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới đạt 62,5%. Dự kiến năm 2019, công ty nông nghiệp sẽ hoàn thành sắp xếp đạt 74,42%, công ty lâm nghiệp sẽ hoàn thành đạt 86,76%; phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. |
Trong khi đó, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai lớn, song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do năng lực tài chính hạn hẹp.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp được cấp từ lâu, trên nhiều loại bản vẽ, dựa trên nền bản đồ cũ nên có sự chênh lệch số liệu diện tích giữa giấy chứng nhận và thực tế, khiến cho công tác xác định ranh giới, cắm mốc gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, đại diện tỉnh Gia Lai đề nghị Trung ương nghiên cứu sớm hướng dẫn việc giao vốn rừng, để các công ty chủ động trong hoạt động, chịu trách nhiệm trong quản lý rừng và vốn rừng. Như vậy mới nâng cao trách nhiệm thực hiện quản lý bảo vệ rừng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 30, đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trường hợp tiếp tục tái cơ cấu thì có cơ chế giao quyền chủ động cho chủ sở hữu quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới sản xuất theo tín hiệu thị trường Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp là vấn đề nóng, quan trọng vì đây là chủ trương liên quan đến nguồn lực lớn gồm 2 triệu ha đất nông lâm nghiệp, chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp. Nông, lâm trường đã có vai trò rất lớn trong lịch sử phát triển của đất nước, nhưng bây giờ không còn là lúc sản xuất theo đơn đặt hàng mà phải theo tín hiệu thị trường, bởi thị trường quyết định sự thành bạ. Các đơn vị phải sớm đổi mới mô hình tăng trưởng, không bao cấp mãi được; tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai; giúp cải thiện cuộc sống của người dân, nếu để dân đói, dân nghèo là làm chưa tốt; cần có chính sách khơi thông nguồn lực về đất đai, tài nguyên rừng. Đất đai, tài nguyên rừng cần giao cho những đối tượng sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng phát canh thu tô; quan tâm tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân; kiên quyết không để người dân thiếu đất sản xuất trong khi các công ty quản lý diện tích đất lớn nhưng không hiệu quả. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát: Phải xác định được chủ sử dụng từng mảnh đất Trong 5 năm qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả tích cực trong sắp xếp công ty nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với những nội dung trong Nghị quyết 30 thì có những việc chưa làm được. Vì vậy, trong thời gian tới, theo tôi phải tiếp tục thực hiện việc này với những giải pháp đột phá về đất đai, huy động nguồn lực để hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, nắm chắc từng mảnh đất, chủ sử dụng đích thực là ai thì mới biết họ sử dụng có đúng chủ trương, mục đích hay không; đúng thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nếu có vi phạm, tranh chấp thì xử lý nghiêm. Khánh Nguyên (ghi) |
Đề nghị xử lý nghiêm vi phạm xuất khẩu lợn qua biên giới Trước phản ánh của người dân và các cơ quan truyền thông về tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới Trung Quốc có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, ngày 21/11/2019, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có Công văn số 12/BCDDTLCP gửi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn không cho lợn xuất trái phép sang bên kia biên giới. Trong công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bênh dịch tả lợn châu Phi Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, theo phản ánh của người dân và một số cơ quan truyền thông về tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới, mỗi ngày có trên 50 chuyến xe chở lợn tỏa đi khắp các chợ biên giới của tỉnh Cao Bằng. Để bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong điều kiện hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát tốt, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam. K.N |