Cũng giống như tại phương Đông, ở phương Tây thì việc "gọi hồn" cũng từng rất thịnh hành. Họ đã thử gọi hồn người chết từ thời cổ đại, nhưng phải đến giữa thế kỷ 19 thì chúng mới bắt đầu trở thành hiện tượng. Nguyên nhân của điều này chính là nhờ công lao của 2 cô bé sống tại Hydesville, bang New York, Mỹ.
Vào 1 buổi tối tháng 3/1848, Margaret Fox 14 tuổi, cùng cô em Kate Fox 11 tuổi của mình đã tiến hành "thử nói chuyện" với 1 hồn ma đang sống trong nhà. Con ma được cho là trả lời bằng những tiếng gõ: một tiếng là có, hai tiếng là không. Sau 1 hồi vấn đáp và rất nhiều tiếng lọc cọc, 2 cô cuối cùng cũng kết luận rằng hồn ma đó thuộc về 1 người có tên là Charles Rose, vốn bị sát hại tại căn nhà này nhiều năm về trước.
Thế là dân tình mới bắt đầu lan truyền tin tức về vụ này, rằng mấy cô con gái nhà Fox là những bà đồng có thể nói chuyện với ma và 2 cô bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Họ thậm chí còn đi khắp nước Mỹ, biểu diễn các màn gọi hồn trước các khán phòng chật cứng khán giả. Các linh hồn cũng không còn đơn thuần gõ ra câu trả lời nữa, mà chúng còn di chuyển đồ vật khắp sân khấu hẳn hoi.
Chân dung 2 "bà tổ" của trào lưu gọi hồn.
Nghe vô lý nhưng mà khá thuyết phục, người người thấy cảnh đó thì đều tin răm rắp rằng các hồn ma thực sự đang đứng ở đó. Và như thế, chị em nhà Fox đã vô tình khởi xướng cho trảo lưu tin rằng người chết và người sống có thể liên lạc với nhau, gọi là "duy linh". Hàng ngàn người ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu tự tổ chức các buổi gọi hồn tại nhà, còn mấy nhà điều tra kiêm thầy đồng dỏm thì bỗng dưng có việc làm và phất lên nhanh chóng, tiền vào như nước.
Cũng từ đó, các thầy đồng bắt đầu nghiên cứu nhiều phương thức hơn nhằm thể hiện các hiện tượng kỳ bí (do họ tự bịa ra, hoặc không). Ví dụ như các quả chuông tự rung, đồ vật trôi lơ lửng, hoặc các thông điệp bỗng tự viết lên các phiến đá. Còn khán giả thì nghĩ gì? "Rất là thuyết phục, linh hồn là có thật đấy bu em ạ" - đại khái là họ sẽ có cảm nhận kiểu như vậy đó.
Di chuyển, làm lơ lửng đồ vật là 1 trong những trò khá phổ biến vào thời đó.
Vào những năm 1860, thầy đồng Daniel Dunglas Home đã thể hiện trò nhấc mình lơ lửng trên không. Tại các buổi biểu diễn, các nhân chứng kể lại rằng Home đã bay lên khỏi mặt đất, lướt qua 1 cửa sổ lớn rồi bay lơ lửng về qua 1 cửa sổ khác. Một bà đồng khác có tên Marthe Béraud cũng có màn biểu hiện quái dị không kém: hôn mê rồi nhè ra các cục màu trắng mà bà này gọi là "ngoại khí". Bà ta nói rằng đó chính là linh chất chứng tỏ rằng người quá cố đã nhập vào người mình.
Daniel Dunglas Home biểu diễn "siêu năng lực".
Dĩ nhiên, thời đó cũng có người chẳng tin gì vào mấy cái trò này. Nhiều người tỉnh táo đều cho rằng đây chỉ là mấy trò kỹ xảo sân khấu để lừa mấy người "muốn tin vào tâm linh", chấm hết. Bậc thầy thoát hiểm Harry Houdini, 1 "vị thánh" của giới ảo thuật cũng thường xuyên lên tiếng bóc mẽ mấy bà đồng dỏm, và Marthe Béraud là ví dụ cho loại người đó. Khi các nhà khoa học đi kiểm tra mấy cục "ngoại khí" mà bà ta nhè ra, họ phát hiện ra rằng đó chỉ là mẩu vải trắng không hơn không kém.
Vua thoát hiểm Houdini từng lên tiếng bóc mẽ hành vi này.
Vào năm 1888, 40 năm sau ngày khởi đầu của cơn sốt gọi hồn, chị em nhà Fox đã thừa nhận rằng mình đã làm giả tiếng gõ của hồn ma bằng cách bẻ khớp ngón chân cái. Mặc dù việc "bị dắt mũi" đã được công bố, nhưng dân tình vẫn mê mẩn trò này và đến tận đầu thế kỷ 20 mới chịu dừng lại. Tuy nhiên, việc gọi hồn vẫn chưa chấm dứt hẳn, cho đến tận ngày nay.
Mặc dù giới khoa học chưa bao giờ ngừng tranh luận về tính xác đáng của thế giới tâm linh, hay có thể nói rằng "đó là lĩnh vực mà khoa học không thể giải thích", thì không thể phủ nhận việc "gọi hồn" tại châu Âu và Mỹ đều đa số là bịp bợm. Từ tâm linh, những kẻ xấu xa, lười biếng đã trục lợi từ điều đó và biến nó thành những trò hề, những gánh xiếc trá hình để lừa gạt "khán giả". Vì thế, dù thật hay lừa dối, chúng ta cũng phải cần thật tỉnh táo để không sa vào bẫy của những kẻ đó.