Khi ghé tới thăm xưởng điêu khắc của thầy Hữu Thạo nằm trên con hẻm nhỏ của ấp Mỹ Hòa 1, Trung Chánh, không gian nơi đây tuyệt nhiên thinh lặng, người ta chỉ nghe thấy tiếng xè xè của đục máy, cưa máy; tiếng lóc cóc đục tay…, bởi đây là nơi nhiều bạn thanh niên khuyết tật theo học nghề điêu khắc.
Những bạn học viên được thầy Hữu Thạo đưa về từ nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Đắc Lắk,… từ năm 2012 đến nay. Cứ mỗi năm, thầy Thạo lại nhận vài người. Tính cho đến nay, thầy đã nhận đào tạo nghề điêu khắc miễn phí cho khoảng 20 thanh niên. “Những lần đi về miền quê, tôi thấy các bạn thanh niên khuyết tật mà nhói lòng cho tương lai của họ. Ông bà vẫn bảo: “Có tật, có tài”. Tôi nghĩ thế mà xin đưa họ về, mong giúp họ có được cái nghề lo cho tương lai. Quả thật, họ đã thể hiện rất xuất chúng với nghề điêu khắc”, thầy Thạo bộc bạch.
Theo thầy Hữu Thạo, dạy điêu khắc cho một người bình thường đã khó, dạy cho người khiếm khuyết còn khó hơn trăm bề, bởi việc truyền tải thông tin đến học trò để hoàn thành sản phẩm luôn bị hạn chế. Những người thầy tại xưởng điêu khắc không thề dùng ngôn ngữ nói, mà phải dùng các phương pháp khác như ngôn ngữ cử chỉ, ánh mắt, chữ viết…, thậm chí thái độ. “Chúng tôi không biết ngôn ngữ cử chỉ. Vì thế, để hiểu và mong học trò hiểu mình, chúng tôi phải sống thật thân thiện, cùng ăn, cùng ngủ với các em. Thầy trò chúng tôi nói chuyện với nhau bằng trái tim hơn là ngôn ngữ”, thầy Thạo chia sẻ.
Tuy nhiên, sau thời gian vượt khó, hiện tại, xưởng điêu khắc của thầy Hữu Thảo đã có hai học viên với tay nghề khá xuất sắc. Một người đã được Hội Làng nghề Việt Nam phong nghệ nhân, một người đang chờ được phong nghệ nhân kế tiếp. Một số học trò khác đã thành thợ lành nghề và có công việc tại quê nhà.
Những học trò đặc biệt tại xưởng điêu khắc của thầy Hữu Thạo.