Dân Việt

Liên kết sản xuất, làm giàu từ nguồn vốn Hội

Thu Hà 21/11/2019 05:00 GMT+7
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã liên kết thành lập tổ, nhóm để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ HTND tăng thêm từ 10 - 20% so với trước khi tham gia dự án.

Hơn 3.800 hộ vay vốn

Anh Nguyễn Văn Chính (ở xóm Liên Phong, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) là một trong hàng nghìn hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND. Được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, anh Chính đầu tư nuôi ngao, vạng giống cung ứng cho các hộ nông dân ở địa phương và các xã lân cận. Hiện khu nuôi trồng thủy sản của gia đình anh có diện tích 0,5ha. Theo kế hoạch, năm nay anh xuất bán 5 tấn ngao, vạng giống. Doanh thu của trang trại đạt 600 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh lãi 200 triệu đồng.

Tương tự anh Chính, hộ anh Vũ Văn Tiệp (ở xóm Liên Phong, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) cũng được vay 50 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Anh đang nuôi cá vược và ngao giống trên diện tích hơn 1,2ha. Mô hình giúp cuộc sống của gia đình anh ngày càng khá giả.

img

Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, nhiều nông dân Nam Định đầu tư nuôi trồng thủy sản hiệu quả. (ảnh: Thu Hà)

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: “Để hỗ trợ hội viên nông dân có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, từ năm 2007, Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng Quỹ HTND. 12 năm triển khai hoạt động, đến nay có 9/10 huyện đã có Quỹ HTND (đạt 90%); 179/212 cơ sở Hội có Ban vận động Quỹ HTND (đạt 80,6%)”.

Năm 2013, tổng nguồn vốn hoạt động Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 16 tỷ đồng cho 900 hộ vay. Đến hết năm 2018 tăng lên 24,1 tỷ đồng cho 1.025 hộ vay.

Với nguồn vốn trên, 5 năm qua Hội ND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ 3.826 hội viên vay với số vốn 78 tỷ 640 triệu đồng thông qua 119 dự án với 32 tổ hợp tác, 14 tổ hội nghề nghiệp và 1 hợp tác xã.

Điểm đáng chú ý, để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, phương thức cho vay được đổi mới từ cho vay theo chi, tổ Hội chuyển sang cho vay theo dự án. Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng từ 300 triệu lên 1 tỷ đồng. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá diêu hồng tại Hải Châu (Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại Mỹ Hà (Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại Xuân Phương (Xuân Trường), thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Yên Ninh (Ý Yên)… Qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống hội viên nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn 10%/năm

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND các cấp, vừa qua, Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp tỉnh Nam Định giai đoạn 2019-2023” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp Hội trong toàn tỉnh đối với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ HTND.

Theo đó, đề án đề ra mục tiêu 100% Hội ND các cấp trong tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập Ban vận động quỹ. Huy động tăng trưởng nguồn vốn 10% mỗi  năm so với nguồn vốn hiện có; phấn đấu đến năm 2020, nguồn quỹ cấp tỉnh đạt 3 tỷ đồng; nguồn quỹ cấp huyện đạt bình quân 300 triệu đồng/huyện; 100% cấp cơ sở vận động được vốn đạt từ 30 triệu đồng/cơ sở.

Mục tiêu đến năm 2023 nguồn quỹ cấp tỉnh đạt 4 tỷ đồng; nguồn quỹ cấp huyện đạt 400 triệu đồng/huyện, cấp cơ sở vận động đạt 35 triệu đồng/cơ sở. 100% cơ sở Hội thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác gắn với sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trong đó: 90% tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội thành lập được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp. 100% thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã… được vay vốn từ Quỹ HTND tổ chức sinh hoạt định kỳ; 100% số hộ vay vốn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm và được kiểm tra, giám sát theo quy định.