Dân Việt

Lã Vọng đã “hô biến” công ty con làm dự án đường nghìn tỷ thế nào?

Thành An 21/11/2019 15:30 GMT+7
Công ty Lã Vọng đã thông qua Công ty Ngôi Nhà Mới góp vốn cùng Công ty CP Sông Đà Hà Nội và hai công ty lập ra Công ty CP Louis Group để thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 6, cũng theo hình thức BT.

Đáng chú ý, về dự án nâng cấp quốc lộ 6, Thanh tra Chính phủ xác định, giai đoạn 2009, UBND TP. Hà Nội thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Tổng công ty Sông Đà là đơn vị được giao chủ đầu tư nhưng không đề xuất được dự án để triển khai. 

Tháng 2/2017, để tham gia dự án BT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) được UBND TP. Hà Nội cho phép hợp tác liên doanh với Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới thuộc Công ty Lã Vọng và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ Đại An thực hiện dự án đầu tư. Các bên tiến hành thành lập pháp nhân mới lấy tên Công ty CP Louis Group (Công ty Louis).

img

Quốc lộ 6 đoạn Ba La đi Xuân Mai.

Công ty Louis đã được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng, đổi lại Hà Nội dự kiến thanh toán cho Công ty Louis 39 ô đất, diện tích khoảng 343ha khi làm dự án BT này.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc chỉ định Công ty Louis thực hiện dự án là vi phạm quy định về đấu thầu dự án, đồng thời TP. Hà Nội cũng phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Trái lại, TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị thủ tục đàm phán trực tiếp với Công ty Louis. Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, cơ quan tham mưu cho TP, lại căn cứ vào danh mục các ô đất theo “đề xuất” của Công ty Louis để trình TP quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo kết luận thanh tra, trong số 39 ô đất thanh toán cho Công ty Louis có 14 ô không chồng lấn với các dự án khác, diện tích khoảng 209ha; 6 ô đất diện tích khoảng 34ha đã được TP. Hà Nội chỉ đạo làm đất tái định cư; 10 ô diện tích khoảng 70ha được dự kiến đấu giá quyền sử dụng; 9 ô diện tích khoảng 30ha đã được TP. Hà Nội giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án; 1 ô đã giao cho nhà đầu tư làm dự án chưa thu hồi.

“Mặc dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác, nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán BT. Việc tham mưu không đúng quy định pháp luật của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước”, kết luận thanh tra chỉ rõ. 

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong quần chúng nhân dân và như báo chí phản ánh, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền TP. Hà Nội.

Cũng theo kết luận thanh tra, cũng trong khoảng thời gian trên, thông qua các công ty thành viên là Công ty Louis và Công ty Ngôi Nhà Mới, Công ty Lã Vọng cũng góp vốn cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8ha tại quận Hoàng Mai.

Ba nhà đầu tư này đã góp 300 tỷ đồng thành lập ra Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để thực hiện khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Theo kết luận thanh tra, việc giao UDIC thực hiện dự án không qua đấu thầu là sai quy định pháp luật.