Dân Việt

Chiều nay, Bộ GD-ĐT họp báo công bố sách giáo khoa lớp 1 mới

Khải Huyền 22/11/2019 09:33 GMT+7
Dự kiến, chiều nay (22/11), Bộ GD-ĐT sẽ công bố quyết định phê duyệt những bộ/cuốn sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, Bộ này đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo. Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá “không đạt”, trong đó có các bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ NGọc Đại.

Theo ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, sau kết quả làm việc của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, Bộ đã thành lập ban rà soát lại bản thảo đã được thẩm định đánh giá là “đạt”.

Nhiệm vụ của Ban rà soát là xét lại kết quả của hội đồng thẩm định, nhận ý kiến phản hồi về các bộ sách “không đạt” cũng như sách đã qua vòng thẩm định. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quyết định ban hành sách giáo khoa lớp 1 mới.

Dự kiến, chiều nay (22/11), văn phòng Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo để công bố.

img

Một trong những bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do NXB Giáo dục Việt Nam giới thiệu. 

Cùng với việc sẽ công bố các bộ SGK mới, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại.

Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào (cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục) và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về "Chương trình thực nghiệm".

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng GD-ĐT thực hiện rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

img

Sách Công nghệ Giáo dục được sử dụng nhiều trong chương trình tiểu học hiện nay. 

Trước đó, bộ SGK Công nghệ giáo dục bị Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT loại. Sự việc không chỉ khiến các tác giả sách Công nghệ giáo dục bất ngờ mà còn khiến nhiều nhà giáo, thầy cô đã và đang áp dụng chương trình này cảm thấy hoang mang.

Hiện, cả nước có 48 tỉnh thực hiện Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, với trên 900.000 học sinh. Nếu bị loại ra khỏi danh mục SGK mới, nghĩa là từ năm học 2020 - 2021, việc dạy học tại các trường này sẽ bị xáo trộn và học sinh sẽ là người trực tiếp chịu hậu quả do phải đổi sách.