Chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, nói với Reuters rằng các hoạt động được thực hiện vào ngày 20 và 21-11 gần Quần đảo Hoàng Sa và Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Được biết chiến hạm Gabrielle Giffords thuộc lớp Independece đã đi trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn. "Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các quyền, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận được bảo đảm cho tất cả các quốc gia", bà Reann Mommsen cho biết thêm.
Tuyến đường thủy quan trọng này là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, bao gồm chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Mỹ, Hong Kong và Đài Loan. Hoạt động "Tự do Hàng hải" lần này diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, cáo buộc nước này gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và nói thêm rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự thường xuyên trong khu vực "để thể hiện sự coi trọng" các cam kết.
Các hoạt động quân sự của Mỹ gần các đảo tranh chấp là vấn đề khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã phản đối việc tàu quân sự Mỹ đi qua gần bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông mà chưa được phép, coi đây là hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Năm 2016, hội đồng trọng tài quốc tế tại The Hague đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ phán quyết và đã xây dựng các căn cứ quân sự ở cả hai bên biển để thực thi yêu sách sai trái của mình. Chính hành động này khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối, đi đôi với hành động là các nước điều các chiến hạm tới để tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông.