Trong tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Cái Bang là bang đứng đầu (đệ nhất bang), xưng hùng cùng với Thiếu Lâm (đệ nhất phái) và Minh Giáo (đệ nhất giáo - chỉ xuất hiện trong Ỷ thiên đồ long ký). Nhiều nhân vật anh hùng trong truyện Kim Dung từng ở trong bang này như Uông Kiếm Thông, Hồng Thất Công, Tiêu Phong, Hoàng Dung (vị bang chủ nữ đầu tiên)... trong đó Hồng Thất Công và Tiêu Phong là nổi bật hơn cả.
Tiêu Phong trong phim Thiên long bát bộ 2003.
Tiêu Phong là nhân vật chính trong ba nhân vật tiêu biểu (Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc) của tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên long bát bộ. Ông là Bang chủ đời thứ 8 của Cái Bang, người làm cho Hàng long thập bát chưởng đi vào huyền thoại. Ông còn là một nhân tài kiệt xuất của Cái Bang với tấm lòng hào hiệp, chính nghĩa, không chịu khuất phục cường địch, Tiêu Phong cùng với Hàng long thập bát chưởng là nỗi khiếp sợ của tà môn ngoại đạo.
Hồng Thất Công xuất hiện trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp, ông là Bang chủ đời thứ mười tám của Cái Bang, biệt hiệu Cửu Chỉ Thần Cái. Là nhân vật võ lâm tuyệt đỉnh được liệt vào bậc đại tông sư võ học với hai môn tuyệt học nổi tiếng là Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.
Hồng Thất Công trong phim Anh hùng xạ điêu 2017.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất Hồng Thất Công trở thành một trong Thiên hạ ngũ bá (năm người có võ công mạnh nhất bấy giờ), được võ lâm xưng tụng là Bắc Cái cùng Đông Tà Hoàng Dược Sư, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Tây Độc Âu Dương Phong và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.
Cùng với võ công cái thế, nhân phẩm cũng như tính cách của Hồng Thất Công cũng góp phần quan trọng làm nên thanh danh vang dội của Bắc Cái lừng lẫy Trung Nguyên. Ghét cái ác, một đời hành hiệp trượng nghĩa, hành xử công bằng, chính trực, chưa bao giờ lạm sát một người vô tội.
Tiêu Phong vị Bang chủ tài ba nhất của Cái Bang
Theo lời kể của Hồng Thất Công, thì Cái Bang có lịch sử cũng khá lâu đời. Khoảng vào thời Đường sau khi Thiếu Lâm khai môn lập phái, vị Tổ Sư mở bang sáng lập bang phái cùng với 18 chiêu Hàng long chưởng. Còn Đả cẩu bổng pháp thì chưa được hoàn thiện, truyền qua từng đời thì tới đời thứ 3 vị Bang chủ này thêm vào thành 36 chiêu Đả cẩu bổng hoàn chỉnh.
Truyền qua nhiều đời, thời cực thịnh của Cái Bang có thể là từ lúc Tiêu Phong tiếp nhiệm Cái Bang. Ông là vị Bang chủ được đánh giá là tài ba nhất của Cái Bang với bao nhiêu công trạng to lớn lập được cho võ lâm Trung Nguyên và triều đình Đại Tống.
Lực lượng Cái Bang lúc đó khoảng hơn 60 vạn người, tiếc thay anh hùng thường bị trời ghen ghét. Nên Tiêu Phong đoản mạng, lập tức Cái Bang như rắn mất đầu chẳng còn oai phong như khi xưa.
Mãi tới khi Hồng Thất Công nắm quyền mới có thể khôi phục dần dần uy danh lừng lẫy của Bang phái năm xưa. Sau Hồng Thất Công là Hoàng Dung, vị Bang chủ nữ đầu tiên của Cái Bang từ khi mở bang (người thứ hai là Sử Hồng Thạch), cũng đã lập nhiều đại công tạo dựng lại thanh thế cho Cái Bang trên giang hồ. Rồi Lỗ Hữu Cước, Gia Luật Tề thay nhau tiếp nhiệm. Qua nhiều năm từ khi thành Tương Dương thất thủ, Cái Bang càng lúc càng suy vi, cho đến thời của Sử Hoả Long thì Hàng long thập bát chưởng thất truyền còn Cái Bang chỉ là một bang hội hạng 2 trên giang hồ.
Cái Bang là một bang phái của ăn mày, có phạm vi trải rộng khắp Trung Nguyên. Suốt các đời Bang chủ luôn phải lãnh đạo Bang chúng hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổ phò nguy đối phó ngoại xâm nội phản chống lại các thế lực ác độc của võ lâm. Vì vậy Cái Bang luôn có thanh thế rất lớn trên giang hồ và luôn nhận được sự kính trọng mến phục của đồng đạo võ lâm, được tôn danh hiệu là "Thiên hạ đệ nhất bang".