Dân Việt

Vì sao thương vụ bán 34% cổ phần Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên khiến ĐBQH lo ngại?

PV (tổng hợp) 24/11/2019 07:57 GMT+7
Không chỉ bây giờ mà đã nhiều năm trước đây, thị trường nước sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đều đã có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại trong nhiều dự án. Tuy nhiên, đến khi thương vụ bán 34% cổ phần Công ty CP nước mặt sông Đuống của Shark Liên cho nữ tỷ phú người Thái mới khiến nhiều người quan tâm đến ngành nước sạch, kinh doanh nước sạch. Vì sao vậy?

Thị trường nước sạch Việt Nam có giá trị hàng chục tỷ USD nhưng vẫn ở mức sơ khai đã lọt vào "mắt xanh" của nhiều đại gia trong nước và nước ngoài...

Nhà đầu tư ngoại thâu tóm nguồn nước sạch  

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman là liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman (VOI) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

VOI cũng đã khởi động xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống của Tập đoàn AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm chủ tịch HĐQT, với tổng nguồn vốn đầu tư 225 triệu USD, cung cấp nước sạch cho người dân ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.

img

Đầu tư nước sạch đang là trào lưu

Nói về Nhà máy Nước mặt sông Đuống, doanh nghiệp này có lẽ là đơn vị cung cấp nước được người dân Thủ đô “ghi nhớ” nhiều nhất trong thời gian qua, không chỉ bởi công nghệ nước sạch Châu Âu có thể uống ngay tại vòi, mà còn bởi những lùm xùm liên quan đến giá nước cõng chi phí lãi vay và những phát ngôn "gây sốc" của vị Chủ tịch của tập đoàn này bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên).

Công ty CP Nước mặt Sông Đuống thành lập năm 2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước có quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 999,6 tỷ đồng. Theo danh sách cổ đông sáng lập, Tập đoàn Aqua One nắm giữ 58% vốn. Bên cạnh đó, còn có các cổ đông sáng lập khác gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%), Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (nhà đầu tư ủy thác góp vốn 27%).

Trong đó, Aqua One chính là doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên, người còn được biết tới với vai trò Shark Liên trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ. Bà Liên là cổ đông sáng lập nắm giữ 50% vốn tại Aqua One.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có sự thay đổi về cổ đông khi Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được xây dựng và đi vào hoạt động. Cổ đông sáng lập là Công CP Đầu tư Việt Nam - Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là doanh nghiệp WHAUP (SG) 2DR Pte. Limited (Thái Lan) với tỉ lệ sở hữu 34%. Bà Jareeporn Jarukornsakul, nữ tỉ phú Thái Lan, hiện là Chủ tịch HĐQT.

img

Bà Đỗ Thị Kim Liên (trái) - chủ tịch Công ty nước mặt Sông Đuống

Ở diễn biến mới nhất tại nước sạch Sông Đà, bà Đỗ Thị Kim Liên không còn là tổng giám đốc của doanh nghiệp này, thay vào đó là ông Tạ Đức Hoàng, doanh nhân sinh năm 1980.

Điểm đáng lưu ý là trong ban lãnh đạo của Nước mặt Sông Đuống có thêm 4 người nước ngoài đến từ Thái Lan, trong đó có 3 đại diện thành viên HĐQT là ông Wisate Chungwatana (1967), ông Viva Jiratikarnsakul (1956), bà Jareeporn Jarukornsakul (1967) và một đại diện trong ban kiểm soát là ông Natthapatt Tanboon-ek (1975).

Thông tin trong báo cáo thay đổi cũng ghi nhận vốn nước ngoài trong doanh nghiệp chiếm 34% giống như thông báo của Sở GDCK Thái Lan và thông tin từ CTCP nước Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đưa ra trước đó.

img

WHA thuộc sở hữu của bà Jareeporn Jarukornsakul.

Các thương vụ nhà đầu tư ngoại nguồn nước sạch Việt cũng không phải đến bây giờ mới diễn ra, trước đó vào năm 2010, Manila Water, một công ty con của tập đoàn hàng đầu Phillipines - Ayala đã thành lập Manila Water Asia Pacific Pte. Ltd. - MWAP (Manila Water nắm giữ 100% vốn) với trụ sở vùng đặt ở Singapore cho mục đích nắm giữ các khoản đầu tư trong khu vực.

Trong vòng 2 năm sau đó, Manila Water đã thành lập 3 thực thể tại Singapore, gồm: Manila Water South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWSAH), Thu Duc Water Holdings Pte. Ltd. (TDWH), và Kenh Dong Water Holdings Pte. Ltd (KDWH). MWAP nắm giữ 100% vốn của 3 công ty này.

MWAP hiện cũng nắm giữ cổ phần lớn (38%) tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII), Cu Chi Water Supply Sewerage Company, Ltd. (Nước Củ Chi) và một số công ty khác cũng liên quan tới lĩnh vực này tại Việt Nam.

Cụ thể, vào tháng 8/2011, Thu Duc Water Holdings Pte. Ltd. - TDWH (của Manila Water) đã thâu tóm 49% cổ phần tại CTCP B.O.O nước Thủ Đức (Thu Duc Water B.O.O. Corporation), đơn vị cung cấp gần 20% lượng nước cho TP.HCM.

Đây là doanh nghiệp cung ứng nước bán sỉ, với nhà máy lớn thứ hai tại TP.HCM, chỉ xếp sau CTCP Cấp nước Thủ Đức - TDW (Thu Duc Water), một công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Thu Duc Water B.O.O. có hợp đồng cung cấp nước cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) với công suất 300 triệu lít mỗi ngày.

Vào tháng 7/2012, Kenh Dong Water Holdings Pte. Ltd. - KDWH (100% vốn của Manila Water) cũng đã thâu tóm 47,35% cổ phần tại CTCP cấp nước Kênh Đông (Kenh Dong Water Supply and Joint Stock Company - WASS. Kênh Đông cũng là một doanh nghiệp cung cấp nước bán sỉ tại TP.HCM, có nhà máy đặt tại huyện Củ Chi, công suất 200 triệu lít mỗi ngày, chuyên cung cấp nước cho phía Nam của thành phố.

Tới tháng 10/2019, Manila Water South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWSAH) thâu tóm 31,47% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn - Saigon Water Infrastructure Corporation (SII) và tính tới cuối tháng 4/2019 tỷ lệ sở hữu của MWSAH đã tăng lên 38%.

MWAP cũng mua 24,5% cổ phần tại Cu Chi Water Supply Sewerage Company, Ltd

img

Manila Water nắm giữ cổ phần lớn tại nhiều doanh nghiệp ngành nước phía Nam.

Không chỉ Manila Water, trong các công ty ngành nước ở phía Nam, giới đầu tư cũng ghi nhận một cái tên khá quen thuộc: VIAC (No.1) Limited Partnership. Đây chính là cái tên có mặt trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016 (với 27%) của CTCP Nước mặt Sông Đuống.

VIAC (No.1) Limited Partnership hiện nắm giữ 10,9% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) và nắm giữ 10,17% cổ phần CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII), một doanh nghiệp nắm giữ một phần đáng kể hệ thống nước tại TP.HCM.

CII cũng chính là đơn vị đã bán vốn cổ phần tại một số doanh nghiệp ngành nước phía Nam cho Manila Water.

Mối quan hệ giữa Manila Water với CII và SII khá phức tạp. Bên cạnh việc bán lại cổ phần cho Manila Water, CII còn tiến hành nắm sở hữu chéo nhiều công ty, trong đó có cả SII. Hiện SII nắm 11 công ty con và công ty liên kết trong ngành nước với mục tiêu trở thành nhà phát triển hạ tầng hàng đầu trong ngành công nghiệp nước sạch tại Việt Nam

Nên hạn chế người nước ngoài sở hữu?

Động thái thâu tóm doanh nghiệp ngành nước của Tập đoàn Ayala của Phillipines vài năm trước đây hay của nữ tỷ phú người Thái tại Công ty CP Nước mặt Sông Đuống gần đây cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang bước sâu hơn vào ngành nước của Việt Nam, qua đó cho thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nước sạch là vấn đề an ninh quốc gia nên cần hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện để kiểm soát chặt. Đây cũng là một trong những nội dung làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian qua.

Tại phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhắc tới vụ Công ty WHA Utilities & Power của nữ tỷ phú người Thái Lan mua 34 triệu cổ phiếu (34% cổ phần) để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Công ty CP Nước mặt sông Đuống của Shark Liên. Sau thương vụ này, HĐQT và Ban kiểm soát công ty này xuất hiện 4 nhân sự người Thái.

"Một nhà máy hàng ngày cung cấp nước cho mấy triệu người dân mà chúng ta không biết ông chủ thực sự là ai hoặc để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm", ông nói.

Đại biểu Nghĩa lo ngại trường hợp xảy ra xung đột, ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở thiên đường thuế, vốn chỉ vài nghìn USD.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, những lĩnh vực then chốt như nước sạch cần xem xét hạn chế chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Hạn chế có nghĩa là không cho họ đa số và mức sở hữu của người nước ngoài phải được khống chế. Ở những đô thị lớn, an ninh nguồn nước sạch là vấn đề rất hệ trọng, nếu các nhà đầu tư nước ngoài vào, họ có thể chuyển nhượng qua lại. Ở một số quốc gia, họ thiết kế luật để ngăn chặn những giao dịch, chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói. Ông kiến nghị bổ sung kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm soát chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

img

Đai biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đồng tình đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh. Theo ông Bình, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) cũng đề nghị kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và phải ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”, hay các “dự án lòng vòng”.

Nhắc lại thông tin nhà đầu tư người Thái vào chiếm đa số ghế trong Hội đồng quản trị, ban kiểm soát Công ty CP nước mặt sông Đuống, Phó trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ sự lo lắng và đề nghị cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh phục vụ nhân dân hay không hay chỉ kiếm lợi nhuận rồi đẩy rủi ro cho người khác, nhất là người dân.

Sau sự cố nước sạch sông Đà ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân ở TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cũng kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư lần này cần rà soát chặt chẽ và luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch.

"Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố", bà Thu nhấn mạnh.

Bà Thu đề nghị Ban Soạn thảo rà soát kỹ danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh mục cấm đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề đầu tư kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người.