Đường ngang, ngõ dọc từ con phố Horison đến Ocampo, rồi đến Khu Liên hợp thể thao Memorial Rizal và tiếp theo là Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) đều đã trở nên quá quen thuộc. Ước tính cả chục nhân viên an ninh ở những điểm chúng tôi đặt chân tới cũng đã quen mặt.
Những câu chào hỏi quen thuộc: “I Love Philippines”, “Viet Nam Good!”, “Viet Nam Ho Chi Minh”… như những điệp khúc mà chúng tôi dành cho nhau khi ngày khai mạc SEA Games 2019 đang ngày càng tới gần.
Phóng viên NTNN/Dân Việt đi siêu thị mua đồ tự “đạo diễn” bữa ăn đậm đà bản sắc Việt Nam trên đất Philippines.
Những ngày đầu mới đặt chân tới Manila, chúng tôi còn chưa quen với khói bụi, với tắc đường – điều mà người dân nơi đây coi như một thứ “đặc sản”. Để làm cho khách bớt căng thẳng, mỗi khi tắc đường, người lái grab ở Manila thường khéo léo mở một đoạn nhạc êm dịu, nở những nụ cười động viên và chỉ ra phía ngoài với hàng dài ô tô nối nhau vì ách tắc mà nói vui: “Welcome Manila!”
Với cá nhân người viết, đặc sản ở Manila không phải là tắc đường bởi cũng đã quen với điều đó ở con đường Thái Hà – Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch nơi gia đình tôi ở. Nhìn cảnh tắc đường ở Manila, suy nghĩ tích cực một chút, tôi sẽ cố gắng khởi hành đến địa điểm thi đấu sớm hơn. Và chính cảnh tắc đường đó, đôi khi lại làm cho tôi bớt… nhớ Hà Nội, Việt Nam!
Đặc sản ở Manila trong tôi chính là những bữa cơm có rất nhiều rau, củ, quả do chính tay mình vào bếp. Ở Philippines nói chung và Manila nói riêng, để tìm được một suất cơm ngoài hàng có nhiều rau là chuyện trong mơ!
Việc tìm đường đi siêu thị, mua gạo, mua thịt, mua rau nấu cơm cũng giúp chúng tôi thông thạo đường sá Manila hơn khi những ngày tới, sẽ phải di chuyển liên tục giữa Manila – Clark City – Subic để truyền thải những thông tin của đoàn Thể thao Việt Nam về với bạn đọc, người hâm mộ nước nhà.
Bắt đầu từ ngày 25/11, SEA Games 30 cũng đã thực sự nóng khi thầy trò HLV Park Hang-seo xuất trận ở bảng B môn bóng đá nam gặp U22 Brunei trên sân Binan Footbaall.
Một chiến thắng không chỉ có ý nghĩa là 3 điểm, mà đó còn là màn khởi động tuyệt vời cho U22 Việt Nam, từ việc làm quen mặt cỏ sân tạo, điều kiện thời tiết, mà quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết giữa những nhân tố cũ và mới trong đội hình.
Chỉ khi khoảng cách trình độ giữa những tuyển thủ quốc gia như Quang Hải, Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng, Tiến Linh… và “phần còn lại” bị thu hẹp, thậm chí là… biến mất thì U22 Việt Nam mới thực sự mạnh, sẵn sàng chinh phục SEA Games 30!