Như Dân Việt thông tin, Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ vừa có kết luận về sự việc thầy T.Q.Tr - Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh) bị lộ "ảnh nóng" qua gmail.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Thạnh Thắng là người phát tán "ảnh nóng" của thầy Phó Hiệu trưởng cho nhiều người biết. “Ảnh nóng” của thầy Tr. Xuất hiện trong google ảnh thuộc tài khoản hộp thư điện tử của trường, không xuất hiện trong tài khoản hộp thư điện tử khác.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2019, thầy Tr. được nữ Hiệu trưởng trường gọi vào phòng làm việc và cho xem những tấm "ảnh nóng” được in ra giấy, kèm theo 1 biên bản có nhiều người ký xác nhận nhìn thấy những hình ảnh trên thông qua hệ thống Google ảnh thuộc Gmail nhà trường.
Thầy Tr. cho biết đó là những bức ảnh cá nhân của mình và chấp hành ký vào biên bản. Công an đã đến lập biên bản, tạm giữ điện điện thoại để điều tra.
Thầy Tr. trình bày vụ việc.
Trao đổi với Dân Việt về hành vi của nữ Hiệu trưởng phát tán “ảnh nóng” của Hiệu phó, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Hành vi của bà Thảo có lẽ xuất phát từ việc thiếu hiểu biết công nghệ thông tin, không hiểu chức năng của Google ảnh hoặc do mâu thuẫn cá nhân. Nhưng, dù nguyên nhân nào thì hành vi của bà hiệu trưởng cũng sai trái, vi phạm quyền nhân thân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của ông hiệu phó”.
Theo luật sư, với riêng hành vi này, nữ hiệu trưởng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị kỷ luật theo quy định của ngành giáo dục. Đối với các hành vi vi phạm phạm khác trong lĩnh vực quản lý thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ có hình thức xử lý kỷ luật và trách nhiệm pháp lý tương ứng.
Với hành vi phát tán ảnh nhạy cảm của thầy Hiệu phó thì bà Thảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định tại điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
Trong trường hợp, hành vi của người phụ nữ này xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người trong ảnh, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì con có thể xem xét xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù 2 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Ngoài trách nhiệm pháp lý, nữ hiệu trưởng còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành giáo dục. Hình thức xử lý cao nhất có thể là cách chức, buộc thôi việc nếu hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Cụ thể việc xử lý kỷ luật như thế nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.
Trong trường hợp này, nạn nhân là thầy Hiệu phó có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm pháp lý đối với nữ hiệu trưởng này và đồng thời có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Điều 155. Tội làm nhục người khác Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a) Phạm tội 2 lần trở lên; b) Đối với 2 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |