Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với UBND TP. Cần Thơ; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt được giao trực tiếp tổ chức sự kiện.
Tháo gỡ vướng mắc
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tổ chức tại TP.Cần Thơ là lần thứ 2 người đứng đầu Chính phủ trực tiếp trao đổi, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ở cuộc đối thoại lần thứ nhất, tổ chức ngày 9/4/2018 tại TP.Hải Dương (Hải Dương), nông dân đã trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay: Chính sách tín dụng, đất đai, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu với các nông dân tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2018. Ảnh: T.L
Ngay sau cuộc đối thoại đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nông dân.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản; thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường.
Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia, tổ chức tuần hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày sản phẩm nông sản giới thiệu tại nước sở tại. Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nhất là các rào cản đang vướng mắc tại một số thị trường lớn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả trong đó có việc góp vốn, cho thuê, chuyển nhượng... để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật trong tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh…
Thêm những vấn đề “nóng”
Tất cả những băn khoăn, trăn trở của nông dân sẽ được Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ ngành liên quan giải đáp trực tiếp ngay tại hội nghị vào ngày 10/12 tới tại TP.Cần Thơ. |
Tiếp nối thành công của cuộc đối thoại Thủ tướng với nông dân lần thứ nhất, tại cuộc đối thoại lần thứ 2 năm 2019 tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 10/12 tới, chắc chắn nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản; chính sách đất đai, biến đổi khí hậu; chính sách về vốn tín dụng và những vấn đề nổi cộm trong phát triển nông thôn hiện nay sẽ được đặt ra. Cho đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân về những vấn đề ảnh hưởng “sát sườn” đến quá trình lao động, sản xuất của bà con.
Ông Trần Thanh Nam (ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) – một nông dân đã nhiều năm gắn bó với miệt vườn, với vườn cây ăn trái bày tỏ sự vui mừng: “Nếu được đặt câu hỏi tới Thủ tướng tại hội nghị này, tôi rất mong muốn nhận được câu trả lời về những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ ĐBSCL đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi được biết Thủ tướng đã nhất trí bố trí 3.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ở nhiều nơi vùng ĐBSCL, tôi muốn biết việc triển khai chính sách này như thế nào, bao giờ nông dân mới hết chịu cảnh mất đất, mất nhà, mất tư liệu sản xuất do sạt lở?”.
Trong khi đó, anh Phan Văn Thà (ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, Tây Ninh) lại băn khoăn về vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng và rất mong Chính phủ, ngành chức năng có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả các loại giống cây trồng...
Rất nhiều nông dân khác lại quan tâm đến thực trạng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất lớn. Bao giờ Chính phủ cho sửa đổi Luật Đất đai để hợp thức hóa việc tích tụ ruộng đất và gia tăng hạn mức, hạn điền để phù hợp với sản xuất lớn?
Ngoài những vấn đề về nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhiều nông dân cũng tỏ ra trăn trở trước sự mai một của văn hóa làng xã truyền thống trước sức ép của quá trình hội nhập. Ông Quách Thanh Sử (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) đặt vấn đề làm sao để tăng sức “đề kháng” cho văn hóa nông thôn trước làn sóng du nhập văn hóa xấu, lai căng; việc xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới sao cho giữ gìn được những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhiều vùng nông thôn đang ít nhiều bị mai một…