Dân Việt

Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư

24/02/2012 06:08 GMT+7
(Dân Việt) - Tính đến đầu năm 2012, chỉ còn hơn 900 xã trên cả nước chưa hoàn tất việc bàn giao - tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), nhưng vấn đề khó khăn nhất đối với ngành điện là cải tạo lưới điện sau tiếp nhận. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Nguyễn Tấn Lộc cho biết như vậy.

Sau một thời gian thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tiếp nhận LĐHANT để bán điện trực tiếp cho người dân, ông có đánh giá gì về chủ trương và quá trình triển khai công việc này?

- Chương trình tiếp nhận LĐHANT và bán điện trực tiếp cho hộ dân nông thôn của EVN được triển khai trên phạm vi cả nước từ tháng 6.2008 và đến cuối năm 2010 thì cơ bản hoàn thành. Chương trình đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hợp tác và ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân nông thôn.

img
Công nhân Điện lực Tây Hòa (Phú Yên) cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận

Chương trình đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân nông thôn, cụ thể là: Người dân nông thôn được trực tiếp mua điện với giá điện của Chính phủ quy định, không phải mua giá cao (gấp từ 2 - 4 lần) qua các tổ chức trung gian; các hộ dân nông thôn giảm được các khoản chi phí hàng năm, do không phải đóng góp cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua sắm công tơ khi có nhu cầu được cấp điện.

Mặt khác, sau khi tiếp nhận, chất lượng điện sẽ tốt hơn, đáp ứng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở nông thôn, đồng thời giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong dân do các điện lực sẽ từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp tăng năng lực của lưới điện, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tính đến nay, đối với toàn bộ số xã thuộc Dự án Năng lượng nông thôn (RE II) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, ngành điện đã hoàn thành tiếp nhận chưa?

- Tính đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.311 xã (chiếm 81,66% xã có điện) và trên 12,3 triệu hộ dân nông thôn (chiếm 84,5% hộ dân nông thôn có điện). Còn khoảng 1.642 xã do các tổ chức tại các địa phương quản lý bán điện, trong đó có 939 xã thuộc Dự án Năng lượng Nông thôn II (REII) do các địa phương làm chủ đầu tư và vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đến nay chưa hoàn thành tiếp nhận.

EVN đã chỉ đạo các công ty điện lực tiếp tục tiếp nhận LĐHANT tại các xã có dự án REII do UBND các tỉnh bàn giao, ngay sau khi hoàn thành dự án đầu tư. Ngoài ra, đối với những xã khác, nếu các tổ chức quản lý điện nông thôn có nguyện vọng bàn giao, thì Điện lực sẽ tiếp nhận theo thoả thuận giữa hai bên.

Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho biết, EVN đã xây dựng kế hoạch với nguồn vốn khoảng 15.000 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp hệ thống LĐHANT mới tiếp nhận, phấn đấu giảm tổn thất điện năng ở khu vực này xuống còn 10% vào năm 2015. Tuy nhiên, khó nhất là vốn đầu tư, bởi không thể vay thương mại để đầu tư vào lĩnh vực không thu lại lợi nhuận này, chỉ chờ vốn ODA.

Thực tế là trong số 939 xã EVN chưa tiếp nhận, người dân có phải dùng điện giá cao hơn giá bán trực tiếp của ngành điện?

- Các xã thuộc Dự án Năng lượng Nông thôn II cũng có nơi giá điện vẫn cao hơn giá bán trực tiếp của ngành điện bởi không phải địa phương nào cũng cân đối được chi phí.

Trong quá trình tiếp nhận, một số HTX và các hộ dân tự bỏ tiền ra đầu tư đường dây, trạm biết áp... có thắc mắc về chính sách đền bù các tài sản này. Vấn đề trên, EVN đã có hướng xử lý như thế nào?

- Về vấn đề này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2010 hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn. Theo đó, quy định hoàn trả vốn như sau: "Đối với vốn của các tổ chức, cá nhân thì Bên nhận hoàn trả theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao. Trường hợp LĐHANT bàn giao được đầu tư từ nguồn vốn vay hoặc từ các khoản phải trả khác có cam kết trả: Nếu đủ hồ sơ quy định tại thông tư này và được UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt, Bên nhận thực hiện hoàn trả cho Bên giao số tiền vay còn nợ Ngân hàng hoặc các đối tượng khác theo quy định trong hợp đồng vay hoặc khế ước vay nợ (mức tối đa không vượt quá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao), đồng thời hạch toán tăng vốn kinh doanh thuộc nguồn ngân sách nhà nước đối với số chênh lệch giữa giá trị tài sản thực nhận (sau khi đã đánh giá lại) với số tiền phải hoàn trả cho Bên giao (nếu có).

Để được hoàn trả vốn, đại diện chủ sở hữu công trình LĐHANT phải lập đủ hồ sơ theo hướng dẫn của thông tư này. Trong trường hợp không còn hoặc không đủ hồ sơ, Bên giao và Bên nhận cần lập biên bản miêu tả hiện trạng hồ sơ, tài sản bàn giao, đánh giá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao, trình UBND tỉnh, thành phố xem xét quyết định việc hoàn trả vốn”.

EVN đã chỉ đạo các tổng công ty/công ty điện lực phối hợp với các tổ chức (Bên giao) để thực hiện việc hoàn trả vốn đầu tư theo đúng quy định của liên Bộ.

Sau khi tiếp nhận LĐHANT, ngoài thuận lợi, ngành điện gặp phải với những khó khăn gì?

- Khó khăn sau khi tiếp nhận, đối với EVN và các tổng công ty điện lực thì rất lớn, đó là: Tăng thêm hàng chục ngàn km đường dây hạ áp phải quản lý, tăng hơn 5 triệu khách hàng nông thôn, tăng thêm phần tỷ lệ điện tổn thất điện năng LĐHANT. EVN phải thu xếp nguồn vốn rất lớn, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp LĐHANT, đồng thời phải tăng thêm nhân lực để quản lý.

Được biết, một trong những khó khăn lớn nhất đối với tập đoàn là nhiều hệ thống lưới điện sau khi tiếp nhận đã cũ, gây tổn thất điện năng. Cụ thể, những tổn thất này là có tác động như thế nào đối với ngành điện?

EVN đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện điều hành giá bán điện theo cơ chế thị trường, sớm xoá bỏ cơ chế bao cấp qua bù chéo giá điện cho các ngành khác, đồng thời tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong nước cho EVN và các tổng công ty điện lực/công ty điện tử để đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn đã tiếp nhận. Mặt khác, sớm tách bạch hoạt động công ích, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo của EVN ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đến nay, EVN đã tiếp nhận gần 61.000km đường dây hạ áp và gần khoảng 6 triệu công tơ điện. Phần lớn LĐHANT được xây dựng từ 20-30 năm trước đây, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đường dây dài (bán kính cấp điện lớn), dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại; thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi ngoài thị trường, không được kiểm định, không chính xác, nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện; chất lượng điện áp không đảm bảo; tổn thất điện năng rất cao, trung bình trên 20%, có nhiều nơi lên đến 40 - 45%. Những vấn đề trên đây gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện và bảo vệ an toàn lưới điện.

Trong năm nay EVN sẽ thực hiện các dự án nâng cấp lưới điện nông thôn và đưa điện về vùng sâu, vùng xa... như thế nào?

- Hiện EVN đang triển khai 3 dự án lớn, tổng vốn khoảng 750 triệu USD, Đó là Dự án nâng cao hiệu quả lưới điện phân phối nông thôn vay 120 triệu euro của Ngân hàng Tái thiết Đức (giai đoạn 2011-2013) với mục tiêu cải tạo lưới điện trung và hạ áp nông thôn tại 1.367 xã thuộc 26 tỉnh;

Dự án lưới điện phân phối hiệu quả, vốn vay 389 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để cải tạo lưới điện phân phối cho hơn 1.300km đường dây 110kV, 8.000km đường dây trung và hạ thế; bổ sung thêm dung lượng 2.300 MVA trạm biến áp 110kV và hơn 116 MVA trạm biến áp trung và hạ thế;

Dự án "Phát triển Năng lượng tái tạo và cải tạo lưới điện nông thôn cho các xã vùng sâu, vùng xa" vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng giá trị 151 triệu USD với mục tiêu cấp điện cho khoảng 500.000 hộ dân ở gần 1.000 xã vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị... trong đó chủ yếu là cho đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, hàng năm các tổng công ty điện lực đều bố trí vốn đối ứng (15% vốn của doanh nghiệp) để tiến hành cải tạo, nâng cấp lưới điện, thay thế công tơ điện.