Dân Việt

“Thần y” chữa rắn cắn ở cao nguyên

24/02/2012 10:39 GMT+7
(Dân Việt) - Ông tên là Phạm Duy, thường được gọi là Duy “rắn” ở thôn Hòa Nam 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk.

Từ bài thuốc gia truyền, ông Duy đã phát triển thành công bài thuốc trị rắn độc cắn, giành lại mạng sống từ tay tử thần cho hàng trăm người.

Đối mặt… tử thần

“Tui ra đống rơm thì thấy con rắn cạp nong to gần bằng cổ tay. Đang dở chầu rượu lại hết mồi, tự dưng có con rắn nộp mạng, bỏ qua sao được. Tui lập tức lao theo túm lấy đuôi nó… rồi chẳng biết gì nữa”- ông Ae Đương (buôn Niêng, xã Ea Nuôl) kể lại câu chuyện của hơn 4 năm trước.

img
Ông Duy xem danh sách những người được ông cứu chữa.

“Khi mọi người chở đến, tôi cứ nghĩ không thể cứu được nữa. “Mai gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà” mà cũng may thể chất ông Đương khá khỏe nếu không đã tử nạn trên đường đi. Lúc đến, mắt ông ấy chỉ còn lòng trắng, toàn thân tím tái, co giật dữ dội.

Thế nhưng thật kỳ diệu, sau khi uống liều thuốc đầu tiên được khoảng 1 giờ, ông ấy đã có thể nói được. Thường người đã uống rượu thì chất độc phát tác rất nhanh. Chắc mạng ông ấy lớn” - ông Duy tủm tỉm cười. “Tỉnh dậy rồi mà tui cũng không nghĩ mình còn sống”- ông Ae Đương tiếp lời…

Ở buôn Niêng, ngoài ông Ae Đương, bà Mí Um cũng từng đối mặt với tử thần. Hôm ấy, đang loay hoay rút cành củi sau vườn, bà Mí Um đã bị con rắn hổ phóng ra mổ ngay vào trán. Bà chỉ kịp hét lên một tiếng rồi nằm liệt tại chỗ, mặt sưng phù đến biến dạng, mắt lồi ra, cổ bành như cổ rắn lúc tức giận.

Khi mọi người đưa bà đến nhà ông Duy, miệng bà Mí Um đã ngậm cứng, phải dùng muỗng sắt cạy ra mới đổ thuốc vào được. Bà Mí Um thoát khỏi tử thần ngay sau liều thuốc đầu tiên của ông Duy và bắt đầu lên rẫy trở lại sau 2 hôm uống thuốc.

Chị Lê Thị Mai ở xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk bị rắn cắn phải nằm viện nửa tháng và bệnh viện định cắt bỏ bàn chân do hoại tử không thể chữa được nữa. Có người biết chuyện đã giới thiệu chị đến chỗ “thầy” Duy. Sau khi thấy chân chị Mai còn phản ứng, ông Duy đã quyết định cứu chữa. Và thật kỳ diệu, sau 3 ngày dùng thuốc của ông Duy, vết thương của chị Mai bắt đầu lành lại… Đó chỉ là một vài trong hơn 500 câu chuyện về những bệnh nhân đã được ông Duy cứu chữa.

“Nghề y phải có lương tâm”

Từ những năm 1980, ông Duy đã vào Đăk Lăk lập nghiệp. Hồi ấy, chỗ ông ở số người bị rắn, rết, nhện cắn nhiều vô kể. Trước thực tế ấy, ông Duy quyết định dùng bài thuốc mà cha mình truyền lại cho để cứu người. Bài thuốc của cha ông cũng có hiệu quả khá tốt, song không phải trường hợp nào cũng cứu chữa được.

Ông Duy kể, hồi đó, vùng đất này có một loại rắn lạ, mà hễ ai bị cắn là máu chảy không ngừng đến chết mà không có bất kỳ loại thuốc nào chữa được. Sau nhiều năm tìm hiểu, cuối cùng ông đã biết được đó là một loại rắn từ Thái Lan mà trước đây địch dùng để hỗ trợ canh gác đồn. Thêm vị này bớt vị kia, cuối cùng ông cũng khống chế được nọc độc của loại rắn này.

Cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của cha, người con gái út của ông Duy đã tình nguyện nối nghiệp. Hiện em đang theo học Đông y và đã rất thành thạo các “ngón nghề” của cha. “Có nó kế nghiệp, tôi yên tâm nhắm mắt rồi”- ông Duy cười.

Hồi đó, ông Duy nhận chân thủ thư của một trường học. Có thời gian, ông bắt đầu tìm tòi và đọc thêm rất nhiều sách nói về việc trị rắn cắn. Kiến thức ông học được cùng bài thuốc gia truyền “đoạt mệnh tán” mà cụ thân sinh để lại đã giúp ông có thể chữa được rất nhiều ca bệnh khó mà trước đây cha ông cũng bó tay. Sau mỗi lần chữa bệnh thành công, ông Duy lại ghi chép lại rất cẩn thận mọi chi tiết về người bệnh cũng như cách dùng thuốc một cách cụ thể. Với cách làm đó, “tay nghề” của ông Duy ngày càng thuần thục hơn.

Ở tuổi gần 80, ông Duy vẫn đang sống trong căn nhà rất đơn sơ. Thế nhưng khi có ai đó muốn trả công ông một cách hậu hĩnh đều bị ông từ chối và chỉ nhận đúng số tiền ông đã bỏ ra mua thuốc. Cả đời chữa bệnh cứu người, “tài sản” mà ông Duy có và được ông giữ gìn như bảo bối là hàng trăm bức thư cảm ơn của những người được ông cứu chữa.

Chỉ vào chồng thư, ông Duy nói tự hào: “Hạnh phúc của tôi đấy! Làm nghề y phải có lương tâm. Tôi già rồi cần chi nhiều tiền. Hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi đó là giúp được người khác qua cơn hoạn nạn”.