Dù những đối tượng ‘rút ruột’ các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và sắp phải trả giá, nhưng thiệt hại để lại cho Nhà nước và người dân gửi tiền là rất lớn.
Bị cáo Nguyễn Tiến Lãm tại phiên tòa xét xử ngày 27/9. (Ảnh: IT)
Lần lượt… “xộ khám”
Mới đây nhất, ngày 21/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Văn Văn Nghĩa (sinh năm 1975, nguyên Chủ tịch 3 Quỹ TDND Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, tòa xác định Văn Văn Nghĩa đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại 3 Quỹ TDND trên với tổng số tiền hơn 1.234 tỷ đồng của 6.310 sổ tiết kiệm.
Với hành vi trên, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Văn Văn Nghĩa 19 năm tù giam, đồng thời, về trách nhiệm bồi thường dân sự, bị cáo Văn Văn Nghĩa buộc phải bồi thường cho Quỹ TDND Tân Tiến số tiền hơn 809 tỷ đồng; bồi thường cho Quỹ TDND Thanh Bình số tiền hơn 275 tỷ đồng và bồi thường cho Quỹ TDND Dầu Giây số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27/9, bị cáo Nguyễn Tiến Lãm (42 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai), cựu Chủ tịch Quỹ TDND Quảng Tiến (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng bị xử phạt 15 năm tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi chiếm đoạt 70 tỷ đồng của Quỹ tín dụng này. Đồng thời, bị cáo Lãm cũng bị tuyên buộc phải bồi thường hơn 126 tỷ đồng cho Quỹ TDND Quảng Tiến.
Các bị cáo gây ra hàng loạt vụ "rút ruột" tại các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Ngoài 2 vụ việc trên, theo nguồn tin của Dân Việt, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các quỹ tín dụng” xảy ra tại Quỹ TDND Thái Bình và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới với đối tượng Vũ Công Liêm - Giám đốc Quỹ TDND Thái Bình và các đối tượng liên quan.
Thủ đoạn “rút ruột”
Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) do Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Phó Thủ trưởng cơ quan này ký đã bóc trần các thủ đoạn rút ruột các Quỹ TDND của các đối tượng trên. Chẳng hạn, với 3 Quỹ TDND Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây do bị cáo Văn Văn Nghĩa làm chủ tịch, các thủ đoạn được Nghĩa sử dụng để rút ruột các quỹ là: Rút tiền huy động vốn mang gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác dưới tên cá nhân, sau đó rút ra sử dụng cá nhân; lập hồ sơ tín dụng giả để chiếm đạt tiền, nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền; huy động tiền từ người dân nhưng để ngoài sổ sách kế toán.
Cụ thể, với Quỹ TDND Tân Tiến, Nghĩa chỉ đạo mang tiền huy động vốn tại đây với số tiền lên tới 426 tỷ đồng (tính đến 2017) để gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM); đến thời điểm hiện nay đã tất toán hết chỉ còn lại 6 tỷ đồng với 1 sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng VPBank (chi nhánh Đồng Nai). Số tiền này Nghĩa đã chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích cá nhân hết. Song song với đó, Nghĩa cũng chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ tín dụng (18 hồ sơ) với dư nợ gốc lên tới hơn 46,4 tỷ đồng; nâng khống hạn mức của 115 khách hàng vay vốn để chiếm đoạt 167,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nghĩa cũng chỉ đạo nhân viên huy động tới hơn 170 tỷ đồng (từ 953 sổ tiết kiệm của 627 người) nhưng để ngoài sổ sách kế toán. Tất cả số tiền này cũng được Nghĩa dùng vào chi tiêu cá nhân hết. Chưa kể, Nghĩa cũng ký giấy tờ chi lương cho 2 người, nhưng thực tế không làm việc và không nhận lương tại Quỹ TDND Tân Tiến với số tiền 319,3 triệu đồng và số tiền nay đã được Nghĩa sử dụng hết.
Tại Quỹ TDND Thanh Bình, bằng các hành vi tương tự, Văn Văn Nghĩa cũng chỉ đạo mang tiền huy động vốn từ quỹ này để gửi tại các NHTM với số tiền 247,9 tỷ đồng, sau đó rút ra để sử dụng cá nhân; rút tiền mặt tại quỹ với số tiền hơn 27,8 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.
Còn tại Quỹ TDND Dầu Giây, theo xác định của cơ quan điều tra, Nghĩa chỉ đạo nhân viên gửi 7 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng SCCB (Phòng giao dịch Tân Biên) với số tiền 27 tỷ đồng. Đến ngày 23/11/2017, đã tất toán 4 sổ và còn 3 sổ, nhưng thực tế, Nghĩa đã rút tiền ra sử dụng. Đồng thời, Nghĩa cũng chỉ đạo ngân viên làm 58 hồ sơ tín dụng giả, chiếm đoạt hơn 26,6 tỷ đồng; rút tiền mặt hơn 2,57 tỷ đồng để sử dụng.
Với Quỹ TDND Quảng Tiến do bị cáo Nguyễn Tiến Lãm làm Giám đốc, từ năm 2010 - 2017, Quỹ này huy động được 156,6 tỷ đồng. Trong thời gian này, với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc, Lãm đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới viết “Giấy đề nghị tạm ứng tiền”, sau đó Lãm nhận bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản riêng của Lãm. Tổng cộng số tiền bị “rút ruột” lên tới 70 tỷ đồng, dẫn đến không có khả năng trả lại.
Ngoài việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 70 tỷ đồng, Nguyễn Tiến Lãm còn chỉ đạo nhân viên Quỹ TDND Quảng Tiến chi số tiền hơn 60 tỷ đồng cho các hoạt động kinh doanh không hiệu quả của Quỹ, nên chưa thu hồi được.
Riêng với Quỹ TDND Thái Bình, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xác định bị cáo Vũ Công Liêm - Giám đốc Quỹ TDND Thái Bình đã làm giả 252 bộ hồ sơ tín dụng với tổng số tiền hơn 52,4 tỷ đồng. Đáng nói, việc làm giả hồ sơ này được Liêm chỉ đạo con ruột của mình là Vũ Vương Khánh Trường lập. Sau khi viết xong, Trường ký giả tên người vay và chuyển cho Liêm ký duyệt.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Quỹ Tín dụng nhân dân là tổ chức kinh doanh tiền tệ và làm dịch vụ ngân hàng, do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) và Luật Hợp tác xã 2012 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Quỹ Tín dụng nhân dân là một tổ chức tài chính được kiểm soát bởi một đoàn thể, bao gồm những thành viên vay vốn và gửi tiết kiệm đồng thời là người sở hữu tổ chức đó. Quỹ Tín dụng nhân dân có những mục tiêu khác với những mục tiêu của một ngân hàng, đó là mưu cầu tối đa hóa lợi thế của Quỹ Tín dụng nhân dân dành cho các thành viên của mình thông qua các món tiết kiệm và/hoặc các món vay của họ. Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động theo những quy tắc đặc biệt. Nhiệm vụ của quỹ tín dụng nhân dân là có mặt tại chỗ, phục vụ bất kỳ ai mong muốn tham gia vào tổ chức, các dịch vụ tài chính phải được cung cấp trong điều kiện tốt nhất, trong khi quỹ vẫn có đủ khả năng trang trải chi phí hoạt động và giáo dục về kinh tế cho thành viên của mình. |