Sự kiện Nhật Bản tập kích Trân Châu Cảng gây tổn thất nặng nề cho hải quân Mỹ. Cuộc tấn công Trân Châu Cảng chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, nhưng đã gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ. Đây được xem là tổn thất nặng nề nhất lịch sử của Hải quân Mỹ.
Sau thất bại tại Trân Châu Cảng, Mỹ quyết định tham gia vào Thế chiến II với tư cách dẫn đầu phe Đồng minh. Mỹ mở cùng lúc 2 mặt trận phía Tây và Thái Bình Dương. Việc Mỹ mở mặt trận Thái Bình Dương khiến ưu thế của Hạm đội Liên hợp Nhật ngày càng giảm sút.
Các vị trí mà Nhật chiếm đóng trước đó ở Midway, New Guinea, quần đảo Solomons lần lượt thất thủ. Hạm đội Liên hợp Nhật Bản bị dồn về khu vực Đông Nam Á. Khu vực này là con đường huyết mạch còn lại nuôi sống nền kinh tế Nhật. Do đó, họ dồn mọi nỗ lực để quyết giữ bằng được.
Chiến thuật Kamikaze
Sau nhiều thất bại quan trọng, Nhật Bản mất dần ưu thế trên không do máy bay lỗi thời và thiếu phi công chiến đấu có kinh nghiệm do phần lớn họ bị bắn hạ trong lúc giao chiến. Về mặt kinh tế vĩ mô, quy mô sản xuất công nghiệp nói chung và quốc phòng nói riêng giảm sút nghiêm trọng do thiếu hụt nguyên liệu.
Tuyến đường biển qua Đông Nam Á là huyết mạch cuối cùng của nền kinh tế Nhật. Trong khi đó, Mỹ cũng quyết tâm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này. Hai bên dốc toàn lực vào trận đánh mang tính quyết định là Hải chiến vịnh Leyte, trận đánh hải quân lớn nhất lịch sử.
Các cô gái cầm hoa vẫy tay chào phi công Kamikaze cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: Ohmura Study.
Đến giữa năm 1944, Nhật Bản gần như không đủ khả năng để nắm thế chủ động và giành chiến thắng trong những trận đánh mang tính quyết định. Phòng ngự lâu nhất có thể dường như là sách lược cuối cùng của họ.
Theo History.com, lúc đó, đại úy phi công Motoharu Okamura, chỉ huy sư đoàn không quân 341 đề xuất lên cấp trên một chiến thuật mới mang tên Kamikaze (gió thần). Đây là chiến thuật tấn công cảm tử nhằm tiêu diệt tàu chiến Mỹ.
“Tôi tin chắc rằng cách duy nhất để xoay chuyển cục diện theo chiều hướng có lợi cho chúng ta là sử dụng chiến thuật tấn công bổ nhào bằng máy bay cảm tử", đại úy Okamura nói.
Chiến thuật Kamikaze được xây dựng dựa trên tinh thần Samurai (võ sĩ đạo). Đây là tinh thần của những chiến binh dũng mãnh, không lùi bước trước bất kỳ trận chiến nào và sẵn sàng chấp nhận cái chết nếu thất bại.
Lực lượng Kamikaze đầu tiên được thành lập trong tháng 10/1944 gồm 24 phi công tình nguyện của tập đoàn không quân hải quân 201. Nạn nhân đầu tiên của chiến thuật Kamikaze là tàu sân bay hộ tống USS St. Lo (CVE-63). Tàu sân bay Mỹ chìm trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công khiến 100 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Sau thành công ban đầu, Nhật Bản quyết định mở rộng chiến thuật Kamikaze. Chỉ trong vài tháng sau, hơn 2.000 máy bay đã được chuyển đổi cho nhiệm vụ tấn công cảm tử. Kamikaze sử dụng cả máy bay chiến đấu thông thường và một loại được thiết kế đặc biệt có tên Ohka.
Ngoài ra, chiến thuật Kamikaze còn được áp dụng cho tàu ngầm, ngư lôi có người lái, tàu cao tốc và các thợ lặn.
Các vụ tấn công Kamikaze gây tổn thất nặng cho cả 2 phía. Theo thống kê của không quân Mỹ, phía Nhật đã thực hiện khoảng 2.800 vụ tấn công Kamikaze, đánh chìm 34 tàu chiến, gây hỏng 368 tàu, giết chết 4.900 thủy thủ, 4.800 người khác bị thương.
Một thống kê khác của các nhà báo Australia cho thấy khoảng 5.000 phi công Nhật tử nạn trong các vụ tấn công Kamikaze. 57 tàu chiến phe Đồng minh bị đánh chìm.
Tàu sân bay hộ tống USS St Lo bốc cháy sau vụ tấn công Kamikaze và chìm không lâu sau đó. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Hậu quả nặng nề
Trước khi thực hiện nhiệm vụ cảm tử, các phi công được nhận một chiếc bánh mì nướng, một nghi lễ ở Nhật Bản tượng trưng cho lời chia tay. Trong suốt chuyến bay, các chỉ huy liên tục nói qua liên lạc radio rằng ‘Chết một cách vinh quang hơn là sống như một kẻ hèn nhát”.
Kamikaze là một chiến thuật gây tranh cãi. Xuất phát từ một chiến dịch tình nguyện, nó dần trở thành một nhiệm vụ mang tính ép buộc. Động cơ tình nguyện của các phi công rất phức tạp và không đơn giản là xuất phát từ lòng yêu nước, hay đem vinh dự về cho gia đình.
Phỏng vấn trực tiếp các phi công sống sót sau tấn công Kamikaze cho thấy họ bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ bản thân và gia đình bị tuyệt chủng trong tay phe đồng minh và họ xem mình là người bảo vệ cuối cùng.
Saburo Sakai, một phi công giỏi của hải quân Đế quốc Nhật từng nói: “Chúng tôi không bao giờ dám đặt câu hỏi về các mệnh lệnh”.
Những phi công không hoàn thành nhiệm vụ trở thành những người bị kỳ thị và gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng kéo dài đến 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Sự kỳ thị đối với họ chỉ giảm đi sau khi các học giả, nhà xuất bản phát hành câu chuyện về những người sống sót.
Chiến thuật Kamikaze không giúp Nhật Bản thay đổi được tình thế mà còn khiến họ thất bại nhanh hơn. Phi công và máy bay đã tổn thất trong khi tấn công cảm tử nên Nhật không còn phương tiện để ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương.