Dân Việt

Doanh nghiệp “ăn” hết

24/02/2012 12:52 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều năm qua, người tiêu dùng hết sức bức xúc trước thực tế giá sữa Việt Nam liên tục tăng và luôn cao hơn mặt bằng giá thế giới tới 30%. Trong khi đó, nông dân nuôi bò sữa, trực tiếp làm ra sữa không được hưởng lợi từ việc tăng giá này...

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), chỉ tính từ năm 2009 đến nay, mặt hàng sữa đã trải qua 17 lần tăng giá. Trong khi cũng từ năm đó đến nay, các nhà máy sản xuất sữa chỉ thu mua sữa bò của nông dân xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) với giá tăng thêm hơn 2.000 đồng/lít (từ hơn 9.000 đồng/lít vào năm 2010 đến nay tăng lên 11.500 đồng/lít).

Trong khi việc kiểm soát giá sữa nhập khẩu, giá đầu vào của sản phẩm ở nơi xa xôi, tận nước ngoài không hề đơn giản, nếu không muốn nói là buông lỏng, để mặc cho doanh nghiệp muốn khai bao nhiêu thì khai, thì ở gần hơn, sản phẩm sữa của người nông dân chăn nuôi bò trong nước làm ra lại bị xem nhẹ. Các cơ quan quản lý hầu như không có giải pháp gì để buộc các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá bán sản phẩm thì cũng đồng nghĩa phải chia sẻ lợi nhuận ấy cho người nông dân đang sản xuất ra và cung cấp nguyên liệu cho họ.

Ai cũng nhận thấy một thực tế là phải có những tổng công ty mạnh, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy thị trường áp đảo thị trường thì khi ấy người làm ra sản phẩm nguyên liệu mới thực sự có tiếng nói, có vị trí trong chuỗi cung ứng. Và quan trọng hơn là chỉ khi nào sữa nội vươn lên chiếm lĩnh ít nhất 20% thị phần, người nông dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh năng suất lao động thì khi ấy người nông dân mới nắm được quyền trong việc định giá cho sản phẩm mình làm ra.

Câu chuyện người nông dân không được hưởng lợi từ việc tăng giá trên thực tế diễn ra rất phổ biến, không riêng gì với người chăn nuôi bò sữa. Phải nói rằng hầu hết người nông dân làm ra sản phẩm nông nghiệp trên cả nước đang rơi vào tình cảnh như vậy. Mặc dù người ta nhắc nhiều đến sự liên kết 4 nhà để có sự phân chia lợi nhuận công bằng. Tuy nhiên, như nhận định của cố GS - VS Đào Thế Tuấn thì “tuy nói 4 nhà, nhưng nhà thế lực nhất là doanh nghiệp và lợi nhuận trong nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp ăn hết”.

Nói như vậy, chỉ khi nào xây dựng được cơ chế, trong đó sự tham gia của người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách cân bằng thì khi đó mới mong quyền lợi của người nông dân không bị bỏ quên.