Dân Việt

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam luôn đau đáu khi rừng bị tàn phá

Trương Hồng 29/11/2019 14:00 GMT+7
Ông Lê Trí Thanh vừa được HĐND tỉnh Quảng Nam bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Với cương vị mới, ông Lê Trí Thanh đã có cuộc trao đổi với Dân Việt về định hướng các chính sách nhằm giúp Quảng Nam phát triển trong tương lai.

Phấn đấu trở thành top 10 tỉnh, thành phố có nền kinh tế lớn nhất cả nước

Trả lời phóng viên Dân Việt về định hướng chính sách, quy hoạch, quản lý, hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 21 (2015 - 2020) đã có định hướng và mục tiêu phát triển rất rõ ràng. Theo đó, năm 2020 là năm cuối cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt và vượt mục tiêu. Rất nhiều các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh khoá này được ban hành làm cơ sở để UBND tỉnh căn cứ triển khai.

img

Ông Lê Trí Thanh (cầm hoa) vừa được HĐND tỉnh Quảng Nam bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và không gian lãnh thổ được đặc biệt quan tâm để khắc phục khó khăn, khai thác tiềm lực phát triển của từng ngành, từng tiểu vùng trong mối quan hệ lẫn nhau vì sự phát triển chung là rất đáng quan tâm. Tất cả những nội dung đã và đang làm hôm nay là để tạo tiền đề, tạo sức bật cho Quảng Nam đột phá phát triển trong 10-20 năm tới theo hướng nhanh mà bền vững, phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tỉnh Quảng Nam sẽ nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất trên cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

img

Quảng Nam phấn đấu sẽ nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất trên cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Nói về vấn đề tam nông, phát triển nông nghiệp sạch của tỉnh Quảng Nam thời gian tới, tân Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết vấn đề phát triển tam nông được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, không bao giờ chậm hoặc dừng lại.

"Bộ mặt nông thôn, miền núi phải thay đổi; đời sống nhân dân phải khá lên cả về vật chất lẫn tinh thần; cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá và truyền thống lịch sử phải được bảo tồn và phát huy hợp lý; các xã NTM, làng mới, khu dân cư kiểu mẫu phải có hồn, có nét riêng", ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh. 

img

Phát triển tam nông cũng được nông dân Quảng Nam chú trọng đầu tư máy móc hiện đại đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Ông cho rằng muốn vậy, hệ thống giao thông quốc lộ kết nối khu vực ven biển lên miền núi phải được quan tâm đầu tư trong 5 năm tới (như các tuyến QL 14E, 14D, 14G, 40B); một số tuyến giao thông liên vùng huyện, giao thông vào các vùng nguyên liệu, du lịch... cần ưu tiên bố trí vốn. Chương trình Xây dựng Nông thôn mới gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, giảm thiểu manh mún phải được triển khai mạnh hơn, Nghị quyết 05 Tỉnh ủy cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp tình hình mới.

img

Hy vọng với cương vị mới của ông Lê Trí Thanh, các chính sách nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam ngày càng cởi mở và phát triển.

Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua Quảng Nam liên tục xảy ra phá rừng, với cương vị mới sẽ có hướng xử lý thế nào đối với các đối tượng phá rừng và cán bộ để xảy ra phá rừng, ông Lê Trí Thanh cho hay: Để bảo vệ rừng tốt hơn, năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã sắp xếp lại cơ bản và toàn diện các Hạt, trạm kiểm lâm theo hướng tách bạch rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của từng Hạt kiểm lâm theo địa bàn huyện, trừ 3 Hạt kiểm lâm liên huyện ở đồng bằng; giải thể, sáp nhập các trạm kiểm lâm, chỉ giữ những trạm ở vị trí xung yếu để tăng cường kiểm lâm về địa bàn xã; chuyển các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ về huyện để UBND huyện trực tiếp chỉ đạo các BQL này đồng thời với cả hệ thống chính trị tại địa phương.

img

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch để bảo vệ rừng trong tương lai

Đặc biệt là hình thức và mức giao khoán có sự thay đổi căn bản sang ưu tiên cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là những thanh niên địa phương bộ đội xuất ngũ, có sự tham gia của cộng đồng, chế độ bảo đảm các khoản lương và theo lương.

Ngoài ra, cũng khẩn trương triển khai dự án nâng cao năng lực giám sát rừng bằng công nghệ cao trong đầu năm sau.

"Chắc chắn với sự cải tổ toàn diện và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý rừng như vậy, năng lực quản lý rừng sẽ được nâng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, chúng ta sẽ chủ động giữ rừng và cũng dễ quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi xảy ra phá rừng", ông Thanh cho hay. 

Người luôn đau đáu khi rừng bị tàn phá

Có lẽ ở Quảng Nam, nhắc đến ông Lê Trí Thanh là nhắc đến chuyện ông được xem là vị lãnh đạo trẻ có tâm, sâu sát với rừng và người dân. Hễ nhận tin ở đâu trên địa bàn tỉnh có vụ phá rừng dù bận công việc đến mấy, ông cũng để qua một bên để băng rừng, lội suối kiểm tra và yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.

img

Ông Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo Công an tỉnh, Kiểm lâm tỉnh khảo sát tình hình trước khi băng rừng kiểm tra các vụ phá rừng trên địa bàn

Những năm gần đây ở Quảng Nam hầu như năm nào cũng xảy ra rất nhiều vụ tàn phá rừng, đã có hàng trăm ha rừng bị “lâm tặc” chặt hạ lấy gỗ; người dân phá rừng để làm rẫy, nhất là vụ Pơ mu, rừng phòng hộ Tiên Lãnh. Đây là 2 vụ được cho là “nóng” nhất trong các vụ phá rừng, vì có tổ chức, quy mô lớn.

Trong các lần cùng tham gia xuyên rừng với ông Lê Trí Thanh, chúng tôi nhớ mãi chuyến băng rừng hàng giờ đồng hồ của ông Lê Trí Thanh lúc rừng Pơ mu (huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam) bị “lâm tặc” tàn phá dữ dội. Đây là vụ nóng nhất năm 2016 khi hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của Bộ đội Biên phòng Nam Giang bị xử lý nghiêm khắc, các đối tượng “lâm tặc” bị sa lưới dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông Lê Trí Thanh.

“Đây là vụ án phức tạp, quy mô. Không loại trừ vụ án có tổ chức nên cần tập trung lực lượng làm càng nhanh càng tốt. Tinh thần sai đến đâu, xử lý đến đó, tổ chức cá nhân phải được xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc. Tinh thần tỉnh là phải xử lý quyết liệt vụ việc”, ông Thanh từng nói khi nạn phá rừng xảy ra.

img

img

Một số vụ phá rừng lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Với sự cương quyết “xử lâm tặc” của ông Lê Trí Thanh, Tòa án Quân sự khu vực I (Quân khu V) đã tuyên Lê Xuân Chính, nguyên Phó đồn Biên phòng, kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang 4 năm tù cùng với 20 đồng phạm là Nguyễn Văn Quang (người trực tiếp thuê người, đôn đốc, điều hành việc khai thác vận chuyển gỗ, đồng thời là người đảm bảo lương thực lực phẩm, xăng dầu cho các chuyến khai thác gỗ Pơ mu) bị HĐXX tuyên 42 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Thắng bị phạt 36 tháng tù; Lê Trọng Dương, Mai Văn Cường, Phạm Văn Bồng đều bị phạt 32 tháng tù…

img

Ông Lê Trí Thanh trong một lần băng rừng kiểm tra vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh.

Trong khi rừng xanh Pơ mu chưa yên, Quảng Nam tiếp tục xảy ra vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.

Riêng vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh có lẽ là lần vượt rừng đặt biệt, vì chúng tôi được biết lịch kiểm tra rừng đã lên kế hoạch là sáng 22/9/2017, nhưng tối 21/9/2017, ông Thanh vẫn còn công tác ở Hà Nội. Đến 23h đêm, ông mới vượt 1.000km bay về Quảng Nam để sáng sớm 22/9 cùng đoàn lãnh đạo của tỉnh băng rừng kiểm tra.

Khi có mặt tại khu rừng phòng hộ Tiên Lãnh, nơi đây nguyên một quả đồi dường như không còn một cây nào, ông Thanh đau đáu giữa khung cảnh bộn bề cây ngã đổ như một chiến trường “bị bom đánh tan nát”.

Ngay sau khi kiểm tra, ông chỉ đạo công an tỉnh sớm rút hồ sơ lên để điều tra, truy tố đối tượng phá rừng để răn đe cho người khác.

img

Ông Lê Trí Thanh hỏi thăm về công tác bảo vệ rừng trên địa bàn với người dân bản địa.

Với sự cương quyết của ông Thanh, các đối tượng phá rừng đã được đưa ra ánh sáng. TAND huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã tuyên phạt các bị cáo gồm: Phùng Văn Bảy (trú xã Tiên Lãnh) 4 năm tù, Nguyễn Thị Việt (trú xã Tiên Lãnh) 3 năm tù treo về tội Hủy hoại rừng và Nguyễn Hoàng Mai (cán bộ phụ trách kiểm lâm địa bàn xã Tiên Lãnh) 1 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, bị cáo Bảy và Việt phải nộp phạt hơn 300 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước.

“Để xảy ra phá rừng là có trách nhiệm của các cơ quan, đối với huyện và ban quản lý rừng quản lý chưa chặt chẽ, còn chủ quan, còn đối với xã, người trực tiếp địa bàn, quản lý dân có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nhất là rừng phòng hộ. Còn đối với hạt Kiểm lâm là phối hợp quản lý bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm…”, ông Thanh cương quyết khi xử lý cán bộ cấp dưới.