Dịch đã tạm lắng?
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến ngày 25/11, có 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con. Đến nay, có khoảng 4.823 xã đã qua 30 ngày không tái phát dịch, chiếm 56%. Tuy nhiên, trong tháng 11 có 146 xã phát hiện có dịch trở lại với 134.000 con lợn bị chết và tiêu hủy.
“DTLCP xảy ra từ tháng 2/2019 đến nay đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Đây là thiệt hại lớn nhất, chưa từng có. Hiện, dịch được kiểm soát tốt nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là, bởi dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp dù với cường độ thấp hơn” - ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định.
Các địa phương chỉ tái đàn ở những nơi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: P.V
Là địa phương có đàn lợn đứng thứ hai cả nước với 1,8 triệu con, chỉ sau Đồng Nai, DTLCP cũng đã khiến người chăn nuôi của Hà Nội thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội thừa nhận, 10 năm nay trên địa bàn thành phố chưa xảy ra dịch lớn với vật nuôi nhưng từ ngày 24/2, DTLCP xảy ra tại một hộ nuôi nhỏ lẻ ở quận Long Biên với 24 con lợn rừng bị dịch.
Qua 10 tháng phòng chống dịch, tổng đàn lợn của thành phố đã giảm khoảng 30%, 40% số hộ chăn nuôi có dịch. Chi phí tiêu hủy hỗ trợ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã thực hiện rất quyết liệt, hiện nay còn 249 xã/449 xã có dịch. Các xã có dịch tái phát chỉ còn 113 xã nhưng số lượng nhỏ chứ không như lúc cao điểm vào tháng 5, 6. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường vệ sinh tiêu độc, hướng dẫn các trang trại, doanh nghiệp làm tốt công tác an toàn sinh học” - ông Đăng nói.
Để đảm bảo quá trình chi trả tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch, TP.Hà Nội luôn đảm bảo sự công khai, minh bạch. Khi có hộ bị dịch khai báo hoặc cơ quan thú y phát hiện, yêu cầu gia đình tiêu hủy với sự tham gia của lực lượng tài chính, an ninh và chăn nuôi, thú y. Các thành viên cùng tham gia cân, sau đó lên danh sách số con. Trước khi hỗ trợ, địa phương tiến hành dán kết quả lên trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn xóm nhằm giám sát cộng đồng.
“Thực tế có một số trường hợp phát hiện trục lợi chúng tôi đã xử lý ngay. Cụ thể, có trang trại quy mô 100-200 con, đã được hỗ trợ rồi nhưng dịch chưa qua 30 ngày đã mua giống về nuôi dẫn tới tái dịch phải tiêu hủy. Hộ đó vẫn phải tiêu hủy và không hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi, thậm chí còn bị xử phạt” – ông Đăng nói thêm.
Tự ý tái đàn, bùng phát dịch sẽ bị phạt
Cũng theo ông Đăng, với giá lợn hơi tăng cao như hiện nay, các hộ, trang trại đều muốn tái đàn nhưng quan điểm của thành phố là không cho tái đàn ồ ạt, tránh gây ra dịch. Thành phố có chỉ đạo các quận, huyện, xã tái đàn phải thực hiện đúng quy định của Bộ NNPTNT, đồng thời phải báo cáo chính quyền. Lợn phải rõ nguồn gốc, nếu lợn từ tỉnh khác phải có kiểm dịch.
“Với các nông hộ, muốn tái đàn phải đáp ứng đủ điều kiện qua 30 ngày xã đó không có dịch, khai báo chính quyền trước khi đưa vật nuôi vào nuôi. Nếu không khai báo thì khi có dịch sẽ không được hỗ trợ, còn bị xử phạt hành chính” - ông Đăng nói.
Ông Đăng cho biết thêm, qua kiểm tra, hiện toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ đã tái đàn với 290.000 con. Trong đó, có 196 hộ tái đàn mà không khai báo với 7.532 con. Các hộ này phải làm cam kết nếu có dịch thì không hỗ trợ, đồng thời bị xử phạt hành chính 27 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, Bộ NNPTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn bằng cách tăng sản xuất các loại vật nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản...
“Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn trên nguyên tắc không tái đàn ồ ạt tránh tái dịch. Quan điểm của Bộ NNPTNT là mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Ở những chỗ bị dịch thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được chăn nuôi an toàn sinh học thì địa phương tạo điều kiện cho người dân tái đàn. Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến tết mà còn thời gian dài nữa, không tái đàn thì không thể đủ, tái đàn nhưng không để tái dịch” - ông Dương khẳng định.