Vingroup khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart công suất 125 triệu thiết bị/năm
Công ty VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa khánh thành giai đoạn 1 của tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội)
Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8 ha với mặt bằng khu sản xuất là 45.200 m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các Viện Nghiên cứu độc lập.
Bên trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart.
Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, cụ thể Điện thoại thông minh ước tính 23 triệu sản phẩm/năm, Thiết bị IoT ước tính 1 triệu sản phẩm/năm và thiết bị điện tử thông minh khác ước tính trên 2 triệu sản phẩm/năm.
Khi đi vào hoạt động, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart sẽ có quy mô hiện đại hàng đầu khu vực với hệ thống dây chuyền được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, đảm bảo quy trình hoàn toàn khép kín, tự động hóa ở mức tối đa và đạt hiệu năng cao. Các sản phẩm cũng được kiểm thử 100% bằng máy móc, đem lại tính chính xác và độ ổn định cho toàn bộ sản phẩm.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm hình thành và phát triển, VinSmart đã triển khai thần tốc khối lượng công việc lớn, từ xây dựng nhà máy tại Hải Phòng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ký kết hợp tác với Qualcomm, Google... đồng thời cho ra mắt 8 mẫu điện thoại thông minh.
Chưa kịp được “minh oan”, đại gia Phạm Văn Tam lại lao đao với tố cáo mới
Ông Masashi Kubo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam, vừa ký đơn tố cáo gửi các Bộ Công an, Công Thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ về hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo. Đơn tố cáo cũng được Sharp Việt Nam gửi tới Đội Kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Theo đó, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam nhận được thông tin trong buổi họp báo ngày 17-9-2019, Asanzo đã công bố trước công chúng về việc đang sở hữu công nghệ Nhật Bản, cũng như đang có quan hệ hợp tác với Sharp-Roxy (Hong Kong). Tại buổi họp báo này, Asanzo cũng đã công bố thư xác nhận của Sharp-Roxy về mối quan hệ hợp tác này.
Đại gia Phạm Văn Tam lại phải đối mặt với đơn tố cáo mới.
Sharp khẳng định những thông tin trên mà Asanzo đưa ra là sai sự thật và tài liệu đưa ra là giả mạo. Theo Sharp Việt Nam, Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) trước đây có hợp tác cùng Công ty điện tử Roxy tạo thành liên doanh Sharp-Roxy (Hong Kong). Tuy nhiên, ngày 25-9-2016, Tập đoàn Sharp đã kết thúc việc liên doanh với Công ty điện tử Roxy, Sharp-Roxy đã trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Sharp.
Đến ngày 31-10-2016 đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Công ty Sharp-Roxy (Hong Kong) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Do đó, Công ty Sharp-Roxy đã không còn tồn tại từ thời điểm 31-10-2016.
Qua đó, Sharp khẳng định thư xác nhận của Công ty Sharp-Roxy (Hong Kong) theo như công bố của Asanzo ngày 12-9-2019 là giả mạo.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết chuẩn bị "tấn công" thị trường nước ngoài
Theo thông tin mới nhất từ Tập đoàn FLC, hiện Tập đoàn này đang khởi động quá trình niêm yết tại nước ngoài và điểm đến đầu tiên sẽ là Singapore. Nếu thuận lợi việc niêm yết của FLC tại Singapore sẽ diễn ra trong năm 2020 hoặc 2021. Sau đó, doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ phân tích lợi ích và điều kiện thực tế để thực hiện các đợt IPO ở các thị trường quốc tế khác.
Lí giải việc chọn Singapore là thị trường đầu tiên trong tiến trình niêm yết quốc tế, Chủ tịch FLC cho rằng, Singapore là một trung tâm của thị trường tài chính châu Á, kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, có tiêu chuẩn khắt khe và mức độ an toàn cao.
Do vậy, niêm yết tại SGX là cơ hội giúp FLC thu hút thêm nguồn vốn đầu tư phục vụ danh mục dự án qui mô lớn; đồng thời cũng giúp FLC nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn quản trị, tính minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Hồ Xuân Năng khánh thành đại học Phenikaa và Quĩ đổi mới sáng tạo 1.000 tỉ đồng
CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Tập đoàn Phenikaa) chính thức ra mắt đại học Phenikaa và Quĩ đổi mới sáng tạo Phenikaa. Qua đó, công ty của Chủ tịch Hồ Xuân Năng cho biết kích hoạt hệ sinh thái ba trụ cột doanh nghiệp - giáo dục đào tạo - nghiên cứu khoa học.
Theo đó, mô hình giáo dục và phát triển khoa học công nghệ của Phenikaa cũng với mục đích không vì lợi nhuận. Trường Đại học Phenikaa có diện tích gần 14 ha, tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.
Đối với Quĩ đổi mới sáng tạo Phenikaa, đây là quĩ có mức đầu tư ban đầu 1.000 tỉ đồng được trích từ lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn.
Phenikaa là công ty mẹ của Vicostone, doanh nghiệp sản xuất đá thạch anh cao cấp nổi tiếng trên sàn chứng khoán. Trong 9 tháng đầu năm, Vicostone đạt doanh thu thuần 4.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.021 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch TTC Sugar Huỳnh Bích Ngọc ứng cử vào Hiệp hội Mía đường
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: TTC) vừa có văn bản gửi đến Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề cử bà Huỳnh Bích Ngọc trở thành Ủy viên Ban chấp hành HHMĐ.
Bà Ngọc - Chủ tịch HĐQT TTC Sugar sẽ thay thế cho ông Phạm Hồng Dương xin rút khỏi vị trí này. Ông Dương hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HHMĐ, đồng thời là người được ủy quyền công bố thông tin của TTC Sugar.
Trước đó, ông là đại diện cho TTC Sugar và các công ty trực thuộc gồm Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai, CTCP Đường Nước Trong, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, CTCP Đường Biên Hòa - Phan Rang, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa tại HHMĐ.
Từ cuối tháng 10, bà Huỳnh Bích Ngọc được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch tại TTC Sugar, thay thế cho chính ông Phạm Hồng Dương. Con gái bà Ngọc, Đặng Huỳnh Ức My cũng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT công ty.
Không những vậy, bà Huỳnh Bích Ngọc và con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng liên tục công bố các giao dịch mua cổ phần lượng lớn, tăng sở hữu tại TTC Sugar lên lần lượt 11,1% và 16,17%. Đây cũng chính là hai cá nhân mua lại toàn bộ 61,6 triệu cổ phiếu quĩ mà TTC Sugar bán ra với giá trị khoảng 1.140 tỉ đồng.
Theo đó các khoản phát hành trái phiếu, khoản vay/tín dụng của VinFast thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ được công...