Thế chiến II, cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Ngoài chiến trường trên không, trên bộ, trên mặt nước, Thế chiến II còn chứng kiến một cuộc chiến khác rất khốc liệt, cuộc chiến giữa các tàu ngầm dưới mặt nước.
Tàu ngầm đã được sử dụng trong Thế chiến I, nhưng công nghệ tàu ngầm và chiến thuật tác chiến dưới nước chỉ thực sự bùng nổ trong Thế chiến II. Phe trục và Đồng minh đầu tư rất mạnh vào tàu ngầm nhằm chiếm lĩnh lòng đại dương.
Đức quốc xã là quốc gia xây dựng lực lượng tàu ngầm đông đảo nhất thế giới với hơn 1.158 chiếc. Đế quốc Nhật Bản có hạm đội tàu ngầm hơn 300 chiếc, trong đó có những tàu ngầm lớn nhất thế giới, mang theo cả máy bay bên trong.
Ưu điểm của tàu ngầm là khả năng hoạt động bí mật, khó phát hiện từ xa. Tàu ngầm có thể tung đòn tấn công bất ngờ gây thiệt hại nặng cho đối phương, đặc biệt là lực lượng tàu vận tải. Bên cạnh đó, công nghệ định vị thủy âm ở thời điểm đó chưa phát triển nên rất khó phát hiện tàu ngầm.
Chiến thuật khéo léo của Mỹ
Theo Hiệp hội Lịch sử Tàu chiến Hải quân, tổ chức phi lợi nhuận về lịch sử hàng hải của Mỹ, trong suốt Thế chiến II, Hải quân Mỹ chỉ có tổng cộng 288 tàu ngầm trên khắp các mặt trận, số lượng rất khiêm tốn nếu so với hạm đội tàu ngầm Đức quốc xã. Tuy nhiên, số lượng tàu ngầm nhiều hay ít không quan trọng bằng chiến lược sử dụng.
Tàu ngầm có lợi thế là có thể tung ra đòn tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, tàu ngầm có điểm yếu là gần như không có khả năng phòng vệ. Hải quân Mỹ đã vận dụng một chiến thuật hoàn toàn mới, họ sử dụng tàu ngầm như một lực lượng mũi nhọn nhằm tiến hành các hoạt động phá hoại chứ không coi đây là lực lượng tấn công chính.
Một tàu ngầm của Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: Submarinebooks.
Tàu ngầm Mỹ thường phục sẵn trên các tuyến vận tải chiến lược của Nhật Bản và chờ thời điểm tấn công thích hợp. Hải quân Mỹ khai thác mạnh vào các đoạn mã liên lạc giữa tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Nhật. Lực lượng tàu ngầm Mỹ luôn lựa chọn được thời điểm tung đòn tấn công hợp lý nhất.
Theo Public.navy, chỉ trong năm 1943, lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương đã đánh chìm 355 tàu thuyền các loại của Nhật, 1,5 triệu tấn hàng hóa bị nhấn chìm.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn vận dụng "học thuyết Mahanian" trong chiến tranh hải quân, tức tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng tàu ngầm và tàu tuần dương hạm để bảo vệ những lợi ích chiến lược từ xa.
Trong chiến lược này, lực lượng tàu chiến mặt nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ cho tàu ngầm. Các tàu ngầm không ở quá xa so với các tàu chiến mặt nước. Mỗi khi tàu ngầm tấn công luôn có các đòn đánh nghi binh và phối hợp cùng các tàu chiến mặt nước để phân tán lực lượng của đối phương.
Với chiến thuật sử dụng tàu ngầm đột kích vào biên đội tàu chiến Nhật Bản của Mỹ đã phát huy tối đa tác dụng trong khi vừa giảm thiểu được tối đa thiệt hại. Trong số 288 tàu ngầm tham chiến, chỉ có 52 chiếc bị đánh chìm, trong đó có 48 chiếc ở Thái Bình Dương, nơi tham chiến chính với Hải quân Nhật Bản.
Ở mặt trận Thái Bình Dương, lực lượng tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm 1.300 tàu thuyền các loại, trong đó có 8 tàu sân bay, 1 thiết giáp hạm, 11 tàu tuần dương của Hải quân Nhật Bản. Chiến lược tàu ngầm của Mỹ góp phần làm tê liệt khả năng chiến đấu của Hải quân Nhật Bản bằng cách cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của xứ sở mặt trời mọc.
Vẫn còn nguyên giá trị
Richard Pekelney, nhà phân tích lịch sử hải quân kỳ cựu nhận xét, Đức quốc xã sử dụng hạm đội tàu ngầm khổng lồ làm lực lượng tấn công chính trên biển. Các chỉ huy Hải quân Đức tin rằng, sử dụng tàu ngầm tấn công vào đội tàu buôn và tàu chiến mặt nước sẽ chia cô lập Anh khỏi sự trợ giúp của phe Đồng minh. Nhưng chiến lược này là một sai lầm.
Một tàu chở dầu bị tàu ngầm đánh chìm trong Thế chiến II. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Chiến lược tàu ngầm của Đức quốc xã chỉ phát huy tác dụng ở nửa đầu Thế chiến II, phần lớn do yếu tố bất ngờ. Nhưng nửa sau Thế chiến II, phe Đồng minh đã khai thác triệt để điểm yếu trong chiến lược và đánh bại hạm đội tàu ngầm Đức.
Đức điều động các tàu ngầm thực hiện các chiến dịch tấn công rất xa mà không có sự hộ tống của tàu chiến mặt nước, nên tàu ngầm trở nên trơ trọi khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, Đức không xây dựng được hạm đội tàu chiến mặt nước đủ mạnh để hỗ trợ cho tàu ngầm trong các chiến dịch.
Chiến lược tàu ngầm của Đức nhanh chóng bị đánh bại do thiếu sự hiệp đồng tác chiến giữa các tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và không quân. Hạm đội tàu ngầm đông đảo của Đức quốc xã luôn bị đánh hội đồng như “cá nằm trong lưới”.
Ngày nay, vũ khí trang bị đã thay đổi rất nhiều so với trước. Công nghệ định vị thủy âm phát triển mạnh, nhưng các tàu ngầm hiện đại cũng khó phát hiện hơn, vũ trang mạnh hơn. Tàu ngầm vẫn rất lợi hại khi áp dụng chiến thuật phục kích.
Tàu ngầm hiện đại có thể tấn công từ cự ly hàng trăm kilomet khiến đối phương không kịp trở tay. Chiến thuật sử dụng tàu ngầm làm lực lượng đột kích của Mỹ vẫn còn nguyên giá trị thời sự.