Một ngày cuối tháng 11, ông Bùi Văn Quốc (42 tuổi, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cùng vợ và ba ngư dân khác bắt ôtô khách vào xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để thăm nhà ông Bùi Văn Danh, thuyền trưởng của tàu vừa cứu mạng mình và 40 bạn thuyền cách đây hai tháng.
Lịch hẹn là 10h, nhưng chủ nhà đã bày bàn tiệc từ sớm, thuê hẳn một dàn nhạc. "Ôi, tôi tưởng đông chứ có mấy anh em thôi à", ông Danh khoát vai khi ông Quốc vừa đến cổng. "Các anh em có việc bận nên chỉ đi chừng này", ông Quốc đáp lời.
Từ ngày sống sót trở về từ vùng biển Trường Sa, hai chủ tàu kiêm thuyền trưởng này đã tổ chức cho thuyền viên hai tàu gặp nhau ba lần ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ông Quốc đã mất con thuyền câu mực, tài sản rất lớn với ngư dân, nhưng lần gặp nạn đó giúp ông thấu hiểu được tấm lòng của những người bạn biển.
Ông Quốc khóc với người thân ngư dân mất tích khi trở về bờ. Ảnh: Chí Đại.
Sáng 2/9, vùng biển Trường Sa sóng lớn, biển động mạnh, ông Quốc đang đưa tàu vào đảo Thuyền Chài để tránh bão, thì bị sóng đánh chìm, 44 ngư dân bị hất xuống biển. Trước khi tàu chìm hẳn, ông Quốc đã tranh thủ điện đàm, phát tín hiệu kêu cứu với các tàu cá gần đó.
Ông Danh cũng đang trên đường nấp bão thì nghe tiếng kêu cứu khẩn thiết, cách đó khoảng 50 hải lý. Đang gào to và gióng tai nghe rõ tiếng người lạc giữa gió biển thì tín hiệu dần im bặt, ông Danh biết bạn gặp chuyện chẳng lành, quyết tâm đi cứu tàu bạn. Ông nói: "Tính mạng con người là quan trọng, phải cứu anh em bằng được".
Các thuyền viên đã đồng lòng vứt xuống biển hai tấn mực, trị giá khoảng 250 triệu đồng, thành quả sau nhiều đêm thức trắng đánh bắt (khoảng 5 triệu tiền công chia cho mỗi người) để tàu nhẹ hơn, dễ dàng di chuyển trong giông gió.
Thuyền trưởng Danh thả phao định vị để xác định vị trí, hướng đi còn các lão ngư thì nhìn trời, nhìn biển để tư vấn hướng di chuyển theo kinh nghiệm lâu năm.
Khi tàu đang đi thì có bốn cá heo đi theo, từ xưa cá heo giúp cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển nên họ tin có điềm báo. "Cứ mỗi lần chúng tôi đi chệch hướng, ông lại cản ở đầu và chỉ hướng đi chỗ khác", ông Nguyễn Chổ, 64 tuổi, kể. Cá heo bơi theo tàu ông Danh khoảng bốn tiếng, sau đó rời đi.
Các ngư dân vượt sóng gió trong đêm, họ đến được vị trí tàu ông Quốc bị chìm vào sáng hôm sau. Khi đến nơi, 41 người đang cùng nhau ôm 20 can nhựa, kết thành bè bằng dây thừng, kiệt sức và đói lả.
Do đặc trưng của nghề câu mực, một tàu thường mang theo số thuyền thúng bằng với số bát cơm của ngư dân trên tàu, câu xong thì mỗi người mang mực về tàu mẹ. Tàu ông Danh có 46 thuyền thúng, họ đã dùng các thuyền nhỏ này để tiếp cận bạn gặp nạn.
Cứ mỗi thuyền thúng có ba ngư dân trẻ, họ kéo những bạn biển đang kiệt sức lên rồi chèo đến tàu lớn. Các ngư dân lớn tuổi đứng trên tàu, tiếp tục kéo những người kiệt sức lên. "Nhiều anh em chân tê cứng, không có cảm giác nên giẫm phải đinh trên tàu", ông Quốc kể.
Những người được cứu chưa kịp hoàn hồn, được bạn biển Quảng Ngãi hòa sữa, nấu cháo lỏng để họ lấy lại sức. Khi đếm "quân số" thì thấy thiếu ba người, tàu ông Danh cùng 10 tàu khác tiếp tục đi tìm nhưng vô vọng. Đến chiều ba hôm sau, tàu kiểm ngư 420 đã đưa 41 ngư dân trên tàu ông Quốc từ đảo Thuyền Chài về cảng Ba Ngòi (TP Cam Ranh, Khánh Hòa).
Trở về từ cõi chết, ông Quốc nóng lòng chờ tàu ông Danh về bờ để vào cảm ơn. Nhưng lần cứu mạng này không phải là lần đầu họ gặp gỡ.
Cùng làm nghề câu mực ở vùng biển Trường Sa, ông Quốc làm bạn với cha ông Danh khi gặp nhau trên biển khoảng 15 năm trước. Một người ở phía Nam Quảng Nam, một người ở phía Bắc Quảng Ngãi, chỉ cách nhau khoảng 40 km, khi vãn những chuyến biển, hai người đàn ông làm bạn trên bờ.
Hai gia đình thường xuyên thăm hỏi, đến nhà nhau vào những dịp cúng giỗ, lễ lạc. Đến khi cha ông Danh nghỉ biển vì tuổi cao, mối quan hệ này được "chuyển giao" cho con trai và con rể. Lần cứu nạn này đã giúp tình bạn của họ thêm bền chặt, ông Quốc nói: "Nếu không có mấy anh cứu thì bọn tui rụng (chết) rồi".
Ngồi một lúc với gia đình Danh, ông Quốc cùng vợ tranh thủ ghé nhà ông Bùi Tư, anh rể ông Danh, một trong mười thuyền trưởng đã tìm kiếm ba thuyền viên mất tích. Ông Tư nói: "Mấy anh em tui là số một".
Không chỉ có ngư dân thân nhau, mà những người vợ "hồn treo cột buồm" cũng thấu hiểu nhau vì chia sẻ chung hoàn cảnh.
Hôm tàu ông Quốc gặp nạn, bà Nguyễn Đoán, vợ ông Danh biết tin sớm nhưng chỉ gọi điện hỏi thăm bà Ánh Hoa, vợ ông Quốc mà không dám báo tin. Đến lúc cứu được người, bà Đoán mới tức tốc chạy xe máy ra vừa báo tin mừng vừa an ủi để người vợ không bị sốc. Khi các ông chồng gặp gỡ, họ lại góp tay soạn một bàn tiệc riêng để các chị em ngồi chung.
Sau lần sống sót kỳ diệu này, ông Quốc nói sẽ chuyển sang nghề nuôi tôm, không dám đi biển nữa vì "sợ rồi". Hơn nữa, trời phật đã phù hộ mình lần này, không dám đánh cược thêm lần khác. Nhưng ông vẫn hẹn bạn thuyền lần sau gặp nữa.
Ông Dũ Hành, một ngư dân xã Tam Hải đã theo tàu câu mực của ông Quốc bốn năm, lên "sân khấu" trước nhà ông Danh hát bài hát có tựa đề "Cảm ơn" để góp vui cho buổi tiệc. Còn ngư dân Nguyễn Chổ thì tặng cho những người bạn Quảng Nam một điệu bài chòi.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi biểu dương tinh thần tương trợ, đoàn kết trên biển của ngư dân. "Việc các ngư dân dũng cảm vượt sóng gió cứu người rất ý nghĩa, cần được lan tỏa", ông Tô nói. Sở Nông nghiệp đã khen thưởng thuyền trưởng Bùi Văn Danh và các thuyền viên khác trên tàu.
Đây không phải lần đầu các ngư dân thể hiện tinh thần đó. Cùng đi biển, họ thấy số phận của mình trong những người khác. Nhiều năm qua, khi biết bạn bị chìm tàu, hỏng máy trong gió to sóng lớn, các ngư dân sẵn sàng chịu "tổn" đến cả tỷ đồng, bỏ dở phiên đánh bắt, sẵn sàng lai dắt, cứu bạn.
Những người ra tay nghĩa hiệp rồi có thể được cưu mang bởi những ngư dân hào hiệp khác, khi không may gặp nạn. Tình đoàn kết ấy giúp họ yên tâm, vững vàng khi đánh bắt trên vùng biển của Tổ quốc.